TBKTSG Online) - Việt Nam hiện có khoảng 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử sau 2 năm Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp giấy phép cho loại hình dịch vụ tài chính này. Song, số lượng người sử dụng ví điện tử mới chỉ vài triệu.
Trả tiền mua hàng tại siêu thị hoặc bữa ăn tại nhà hàng bằng ví điện tử là câu chuyện diễn ra hàng ngày ở Trung Quốc, nơi mà chỉ hai thương hiệu ví điện tử WeChat Pay và Alipay đã có lượng người sử dụng lên đến con số 1 tỉ. Đây cũng là loại hình thanh toán phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Ví điện tử là một phương tiện thanh toán trung gian, nó như một ví tiền trên môi trường mạng Internet mà người tiêu dùng có thể sử dụng để mua bán hàng hóa tại các trang web hoặc thanh toán các loại cước, hóa đơn tại các nhà hàng, quán ăn, khu mua sắm-giải trí hoặc trung tâm thương mại.
Nhiều loại ví nhưng ít người dùng
Tính đến thời điểm hiện tại, ở thị trường Việt Nam có 20 ví điện tử được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có những cái tên khá quen thuộc như Momo, Ngân Lượng, VTC Pay, Payoo… Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9-2016, số lượng ví điện tử được phát hành ra thị trường là hơn 3 triệu. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp ví điện tử lại ước tính rằng số lượng người sử dụng ví điện tử ở Việt Nam lên đến gần 10 triệu
Sự chênh lệch quá lớn về số lượng người sử dụng ví điện tử theo tính toán của cơ quan quản lý nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ đã phần nào nói lên sự "gian nan" của dịch vụ này trong việc tìm kiếm khách hàng ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết trong 5 năm gần đây, loại hình ví điện tử đã phát triển bùng nổ, lên đến gần 20 thương hiệu, song con số "trụ" lại được và có khách hàng sử dụng thường xuyên chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Còn ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị NextTech Group - chủ đầu tư ví điện tử Ngân Lượng, cho rằng chỉ một số ít doanh nghiệp ví điện tử hoạt động có hiệu quả và có lợi nhuận với thị trường ngách của mình. Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn do không thu hút được khách hàng, như lời nhận định của các chuyên gia công nghệ là cho đến giờ vẫn “sống" bằng tiền của nhà đầu tư.
Vì sao ví điện tử chưa hấp dẫn?
Chị Thu Thúy, sống tại Láng Hạ (Hà Nội), có thói quen không mang theo nhiều tiền mặt bên người mà thay vào đó là nhiều loại thẻ ngân hàng. Không chỉ sử dụng thẻ khi đi mua sắm, trong các bữa ăn trưa hàng ngày ở gần nơi làm việc hay các bữa cà phê, chị Thúy đều chọn các hàng quán có máy tính tiền (POS) để sử dụng thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng để trả tiền.
Do làm việc trong ngành ngân hàng nên chị Thúy biết khá nhiều thông tin về các ví điện tử nội địa. Chị nói rằng điểm hạn chế lớn nhất là mỗi loại ví điện tử chỉ được chấp nhận tại một số điểm mua sắm do hệ thống ví điện tử đó thiết lập. Chính vì vậy, chị Thúy lựa chọn hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng thay vì ví điện tử.
Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có ví điện tử nào chiếm lĩnh thị trường mà chủ yếu phục vụ thanh toán riêng cho các dịch vụ trong hệ thống của mình. Chính vì vậy, việc phát triển các điểm thanh toán bằng ví điện tử cũng chưa mạnh mẽ.
Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban hiện đại hóa ngân hàng Vietcombank, dẫn chứng chiếc ví điện tử Alipay của Trung Quốc có hơn 600 triệu người dùng. Bởi đây là ví điện tử được tạo ra bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba có các sàn giao dịch lớn là Alibaba và Taobao. Để mua bán trên các sàn giao dịch này, khách hàng buộc phải thanh toán bằng Alipay. Chính sự cộng hưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong hệ sinh thái thương mại điễn tử Alibaba đã tạo cho chiếc ví Alipay có lượng người sử dụng khổng lồ và tính tiện ích to lớn.
Phân tích về lý do vì sao ví điện tử ít được sử dụng ở Việt Nam, ông Tuấn cho rằng việc thiếu sự liên thông kết nối thanh toán giữa các loại ví điện tử trên thị trường đã tạo nên sự bất tiện cho người sử dụng, đây cũng là rào cản cho sự phát triển của loại hình thanh toán này. Muốn ví điện tử trở nên phổ biến, cần làm sao kết nối liên thông hệ thống thanh toán ví điện tử như hệ thống thẻ ngân hàng. Chính sách quản lý nhà nước cần tạo hành lang để có thể kết nối các đơn vị cung cấp cấp ví điện tử.
Ông Tuấn cho rằng về mặt công nghệ, việc kết nối liên thống giữa các ví điện tử không phải là điều khó khăn, các đơn vị về cung cấp dịch vụ chuyển mạch có thể thực hiện được.
Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng muốn sử dụng ví điện tử, khách hàng phải có tài khoản ngân hàng; trong khi đó, lượng người sử dụng tài khoản ngân hàng của Việt Nam còn chưa cao và nhiều ngân hàng chưa kết nối với các công ty triển khai ví điện tử. Đây là một trong những nguyên nhân làm người tiêu dùng chưa mặn mà với loại hình thanh toán này.
Theo thời báo kinh tế Sài Gòn