Trong báo cáo mới đây của Topica Founder Institute, số tiền khoảng 291 triệu USD đã thể hiện phần nào hoạt động thu hút vốn sôi động của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là từ khối các nhà đầu tư ngoại trong năm qua.
Đã có 92 startup được rót vốn, gần gấp đôi năm 2016, trong đó nhà đầu tư trong nước chiếm 2/3 với 64 thương vụ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài đứng sau 28 thương vụ.
Tuy nhiên nếu xét về giá trị, số tiền nhà đầu tư trong nước rót vào các startup Việt trong năm vừa qua chỉ có 46 triệu USD, khá khiêm tốn so với mức 245 triệu USD của những nhà đầu tư nước ngoài.
Sự hào hứng của "khối ngoại"
Từng được đánh giá là startup "kỳ lân" của khu vực châu Á, startup SEA (tên cũ là Garena) đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư rót vốn vào các startup Việt trong năm 2017.
Theo báo cáo này, SEA đã chi ra 64 triệu USD để mua lại 82% cổ phần của Foody, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn.
Ngoài ra, theo các nguồn tin, SEA cũng chi ra khoảng 50 triệu USD đầu tư vào một công ty fintech và một doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics của Việt Nam.
Trước đó vào hồi tháng 10 năm ngoái, thông tin về SEA thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) thành công tại Mỹ và thu về 884 triệu USD đã khiến giới khởi nghiệp và những nhà quan sát bình luận xôn xao.
CyberAgent Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Nhật Bản tiếp tục là một trong những quỹ hoạt động tích cực ở Việt Nam. Trong năm 2017, quỹ này đã thực hiện 4 thương vụ đầu tư thành công vào các startup bao gồm Foody, CleverAds, Tiki, và Vexere.
Ngoài ra, việc Telenor, một tập đoàn viễn thông đến từ Na Uy thâu tóm 701Search, đơn vị sở hữu Chotot.vn với giá trị lên tới 109 triệu USD, cũng là một trong những thương vụ đáng lưu ý và có tầm ảnh hưởng tới hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.
Trong thỏa thuận này, Telenor mua lại toàn bộ cổ phần của Tập đoàn truyền thông Singapore Press Holdings (SPH) tại 701Search (trị giá 1/3 giá trị 701Search) với giá 109 triệu USD.
Telenor cũng mua lại cổ phần của tập đoàn tuyền thông quốc tế Schibsted tại các liên doanh của 701Search ở Malaysia, Myanmar và Việt Nam.
Tuy nhiên, phần mua lại cổ phần của Schibsted không được tiết lộ. Do cấu trúc phức tạp của thỏa thuận liên quan đến tầm khu vực, thương vụ này đã không được tính vào trong tổng giá trị các thương vụ đầu tư trong báo cáo của TFI.
Lần đầu tiên các quỹ đầu tư và nhà đầu tư thiên thần nội vượt qua các nhà đầu tư ngoại xét về số lượng các giao dịch.
Trong số các nhà đầu tư, 500 Startups dẫn đầu số lượng các thương vụ đầu tư thành công, lên tới 11 thương vụ, theo sau là ESP Capital - một quỹ đầu tư nội mới thành lập.
Với số tiền 20 triệu USD thành lập quỹ, ESP Capital tập trung tìm kiếm cơ hội ở những công ty khởi nghiệp công nghệ đang ở giai đoạn đầu (vòng gọi vốn pre-seed và seed) với số tiền đầu tư từ 50.000 USD đến 300.000 USD.
Sự nổi lên của các quỹ đầu tư nội như VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam và Shark Tank đã hoàn thành 49 thương vụ đầu tư sớm vào các startup năm 2017.
Thương mại điện tử hút vốn đầu tư
Xét về các lĩnh vực, thương mại điện tử dẫn đầu danh sách hút vốn đầu tư. Theo các nhà quan sát, với tốc độ tăng trưởng khoảng 22%/ năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp với hàng loạt sự đầu tư lớn của rất nhiều đại gia công nghệ trong và ngoài nước.
Cụ thể, có 21 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử được thực hiện trong năm 2017 với tổng giá trị 83 triệu USD. Trong đó, riêng Tiki đã nhận khoản vốn đầu tư vòng Series C lên tới 54 triệu USD từ nhà đầu tư JD.com và STC Investment. Dù cả phía Tiki và JD đều không tiết lộ con số cụ thể của thương vụ, báo chí địa phương đã đồn đoán rằng Tiki nhận được khoản đầu tư trị giá gần 1.000 tỷ VND (44,04 triệu USD) từ JD.com.
Chia sẻ về khoản đầu tư này, ông Winston Cheng, Chủ tịch của JD.com từng cho biết trong một tuyên bố hồi đầu năm nay rằng rất vui mừng khi tiếp tục hành trình mở rộng tại Đông Nam Á khi hợp tác với Tiki, một công ty có am hiểu sâu sắc về Việt Nam và có danh tiếng về dịch vụ khách hàng nổi bật. JD và Tiki cùng chia sẻ chung một triết lý kinh doanh, đó là giành được thị phần bằng cách chiếm được cảm tình của khách hàng.
Việc SEA, công ty vốn nổi tiếng với việc quản lý và vận hành tựa game nhiều người chơi nhất thế giới Liên minh huyền thoại (LoL) nhưng lại thâu tóm một lúc 2 công ty startup lớn của Việt Nam cũng nằm trong xu thế này.
CEO của SEA là Forrest Li từng chia sẻ với truyền thông rằng công ty đang có định hướng phát triển sang mảng thương mại điện tử. Và mục đích đằng sau việc thâu tóm 2 startup lớn của Việt Nam được cho là vì sự hấp dẫn của thị trường thương mại điện tử tại đây.
Theo sau thương mại điện tử là lĩnh vực Foodtech với sự hiện diện của Foody, Cooky và một nền tảng cộng đồng liên quan đến ẩm thực và nhà hàng chưa được công bố với tổng giá trị các thương vụ lên tới 65 triệu USD.
Fintech xếp ở vị trí thứ 3, với 8 thương vụ đầu tư được thực hiện có tổng giá trị 57 triệu USD. Truyền thông cũng là một trong những lĩnh vực "hot" với 9 thương vụ đầu tư và tổng giá trị trên 18 triệu USD.
Logistics và du lịch trực tuyến cũng góp mặt trong danh sách với tổng số 5 giao dịch, với giá trị các thương vụ đầu tư lần lượt là 18 triệu USD và 10 triệu USD cùng sự góp mặt của một số cái tên tiêu biểu như Vntrip, Inspitrip...
Đặc biệt, trong thế giới cryptocurrency (tiền điện tử), năm 2017 cũng đánh dấu thương vụ huy động vốn khủng của một startup điều hành bởi CEO cũng là đồng sáng lập người Việt tên Lợi Lưu.
Cụ thể, KyberNetwork, startup với mô hình sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung tại Singapore, đã huy động được số vốn lên tới 52 triệu USD, tương đương với khoảng 1.200 tỷ đồng từ hơn 21.000 thành viên tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Theo VnEconomy