Người ta thường nói, khi một cánh cửa đóng lại thì một cánh cửa khác sẽ mở ra. Đặt trong bối cảnh hiện nay, có thể điền tên cánh cửa đóng lại là Parkson và cánh cửa khác mở ra là Amazon. Vậy cả hai cánh cửa này dẫn tới con đường nào? Bảng tên của con đường chắc hẳn đề 4 chữ "thương mại điện tử".
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ "nóng" hơn với sự gia nhập của Amazon.
Theo Thời báo Kinh doanh, Parkson đã thiếu tích hợp thương mại điện tử trong kinh doanh thành ra khó thu hút được người tiêu dùng đến với họ. Còn tại sao Amazon lại chọn Việt Nam thành điểm đến thứ 2 tại thị trường Đông Nam Á sau Singapore? Hãy nhìn vào những con số thống kê trên cả Thời báo Kinh doanh và Lao động.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.
Báo Lao động trích dẫn lời của tỷ phú Jack Ma ví thương mại điện tử tại Việt Nam như một mỏ vàng. Mỏ vàng này đang được khai thác ra sao? Alipay của Alibaba ký thỏa thuận chiến lược với Napas, Central Group mua lại Zalora, Shopee nhận được khoản đầu tư 500 triệu USD từ Tencent, còn tập đoàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc vừa rót tiền đầu tư chiến lược vào trang Tiki.
Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng Internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone như báo Lao động đăng tải, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong thời gian tới.