GD&TĐ - Ngày nay, thương mại điện tử đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội, đây chính là hệ quả của công nghệ hiện đại. Tiềm năng từ ngành này không chỉ dừng lại ở vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng mà nó còn mở ra rất nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là cơ hội dành cho giới trẻ.
80% doanh nghiệp cần nhân lực TMĐT
Thương mại điện tử (TM ĐT) là quá trình tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động thương mại thông qua những phương tiện điện tử hiện đại. Về bản chất, TMĐT giống như thương mại truyền thống thông qua khái niệm “mua bán”.
Tuy nhiên, bằng các phương tiện điện tử mới, các hoạt động giao dịch, quảng bá, thậm chí là thanh toán được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và mở rộng phạm vi kinh doanh.
TMĐT có các loại hình sau: B2B: Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; B2C: Giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng; B2G: Giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước; C2C: Giao dịch trực tiếp giữa các cá nhân với nhau; G2C: Giao dịch giữa cơ quan Nhà nước với cá nhân.
Theo báo cáo TMĐT Việt Nam, năm 2015, nước Mỹ có tổng doanh thu TMĐT bán lẻ chiếm 7,4% tổng doanh thu bán lẻ; Trung Quốc là 13,5%; Hàn Quốc là 11,2% và Việt Nam là 2,8%.
Tuy nhiên, giai đoạn 2010 - 2015, trong khi các nước trên đã phát triển thì Việt Nam đang ở giai đoạn xây dựng hạ tầng, vì vậy con số 2,8% là chứng tỏ tiềm năng của TMĐT Việt Nam còn rất lớn.
Doanh thu TMĐT tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Được nhận định là còn khá non trẻ song TMĐT lại là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng đáng mơ ước.
Hiện Việt Nam đang ở giai đoạn phổ cập TMĐT, đang chứng minh sự hiệu quả với doanh nghiệp và người tiêu dùng, việc thu hút các doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn là mục tiêu hàng đầu của TMĐT trong năm nay và các năm tiếp theo.
Kết quả khảo sát hàng năm đối với bộ phận ứng dụng thường xuyên TMĐT cho thấy, có hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tương đương hơn 1.000 doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo.
Tới đây, nhu cầu đó sẽ tăng lên nhiều lần khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh.
Cần đi trước đón đầu
Theo Cục TMĐT và Công nghệ Thông tin (Bộ Công Thương), ước tính hiện có khoảng trên 90 trường đại học và cao đẳng đào tạo TMĐT. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có việc làm được ghi nhận tại một số trường đạt tới trên 90%.
Hình thức đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng chiếm 37%; đào tạo ngắn hạn tập trung 33%. Hình thức đào tạo chính quy dài hạn chỉ chiếm 16%, đào tạo trực tuyến chiếm 9%.
Tỷ lệ học viên tham gia các khóa học chủ yếu là sinh viên, chiếm 42%. Khảo sát từ các công ty cung cấp giải pháp TMĐT như VC Corp, Vật giá, DKT, Chợ điện tử thì nguồn lực chất lượng và phù hợp với nhu cầu còn đang thiếu hụt, có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy TMĐT, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin còn lại các ngành nghề khác.
Những con số trên phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT mới chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chất lượng và số lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu.
Tỷ lệ lao động được đào tạo chính quy về TMĐT trong những công ty TMĐT hàng đầu Việt Nam chưa cao. Các doanh nghiệp trực tuyến phải tốn kém chi phí và thời gian cho việc tuyển dụng nhân sự và đào tạo họ để có thể đáp ứng công việc.
Điều đó có nghĩa cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này như đẩy mạnh hợp tác các trường, các đơn vị đào tạo TMĐT và các doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị đào tạo TMĐT cần đi trước đón đầu, nhận định, phân tích kịp thời xu hướng chương trình đào tạo; tạo môi trường để tăng tỷ lệ sinh viên được tiếp xúc kinh nghiệm thực tế.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực TMĐT ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học bởi cơ hội việc làm khá rộng mở với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ và năng động.
Theo VNPT EPAY