Lazada hợp tác với Unilever: Cú nổ thương mại điện tử cho Đông Nam Á

Mới đây, Lazada, vốn được mệnh danh là “Amazon của Đông Nam Á”, đã tuyên bố bắt tay với Unilever, tập đoàn hàng tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới. Động thái này được cho là nhằm mục tiêu chiếm lĩnh thị phần bán lẻ trực tuyến màu mỡ tại thị trường Đông Nam Á, được dự báo sẽ đạt quy mô 25 tỷ USD năm 2020.

Những dữ liệu do Lazada thu thập sẽ giúp Unilever hiểu rõ hơn hành vi tiêu dùng của khách hàng trực tuyến

Lãnh đạo cấp cao của Lazada và Unilever đã có cuộc trò chuyện với The Straits Times về thương vụ hợp tác của hai công ty. Theo đó, ông Maximilian Bittner, CEO của Lazada cho biết: “Mục đích của việc hợp tác lần này là tìm ra cách hiệu quả nhất để khai thác tiềm năng từ đối tượng tầng lớp trung lưu đang bùng nổ tại khu vực Đông Nam Á”.

Ông Bittner lưu ý rằng, liên minh Lazada - Unilever sẽ tạo ra một trong những hệ thống kho bãi lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, thông qua cơ sở khách hàng lớn của Unilever, Lazada cũng muốn tìm hiểu thêm về thói quen của người tiêu dùng trong khu vực.

Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ trở thành kênh bán lẻ chiếm ưu thế. Sẽ luôn có đủ không gian cho cả hai mảng bán hàng và những hình thức hỗn hợp

- Chủ tịch Unilever khu vực Đông Nam Á, Pier-Luigi Sigismondi

“Ví dụ, chúng tôi muốn tìm ra kích thước bao bì phù hợp để có thể giảm thiểu chi phí vận chuyển. Chúng tôi muốn nghiên cứu những thứ như kích thước của giỏ hàng và không thể làm điều đó một mình”, ông Bittner nói.

Hai công ty Lazada và Unilever đã kết hợp với nhau vào đúng thời điểm mà phân khúc hàng tiêu dùng nhanh đang trở thành một phần quan trọng trong thương mại điện tử. Theo CEO Lazada, hàng tiêu dùng nhanh là hạng mục phát triển nhanh nhất của Lazada năm ngoái với mức tăng trưởng 181% và ngày càng có nhiều người lên mạng để tìm kiếm, mua sắm thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hàng thời trang.

Chủ tịch Unilever khu vực Đông Nam Á, Pier-Luigi Sigismondi, cũng nhấn mạnh rằng, những dữ liệu do Lazada thu thập được sẽ cho phép Unilever hiểu rõ hơn về hành vi tiêu dùng của khách hàng trực tuyến, giúp Công ty có thể thử nghiệm các sản phẩm mới trước khi bán tại hệ thống cửa hàng của mình, đồng thời cũng cho phép cung cấp sản phẩm độc quyền cho người mua sắm Lazada. Ông Sigismondi kỳ vọng rằng, việc hợp tác với Lazada sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng mảng kinh doanh trực tuyến của hãng này bởi người tiêu dùng ngày nay thường có xu hướng mua sắm qua mạng.

“Trong ba năm qua, doanh thu mảng thương mại điện tử của chúng tôi trong khu vực đã tăng gần 50% và chúng tôi hy vọng mức tăng trưởng sẽ lớn hơn gấp 3 lần trong 3 năm tới”, ông Sigismondi cho biết.

Mặc dù Unilever đang nhắm đến thương mại điện tử như một làn sóng tiếp theo cho sự tăng trưởng vượt bậc trong khu vực, song ông Sigismondi đồng thời nhận định rằng, thỏa thuận này cũng sẽ giúp kênh truyền thống phát triển trong tương lai.

“Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ trở thành kênh bán lẻ chiếm ưu thế. Sẽ luôn có đủ không gian cho cả hai mảng bán hàng và những hình thức hỗn hợp. Tương lai bán hàng sẽ có sự hiện diện đa kênh, cho phép khách hàng mua ở bất cứ nơi nào họ muốn: trong siêu thị, trên đường phố hay là qua điện thoại”, ông nói.

Có thể thấy, sự bùng nổ của thương mại điện tử đang diễn ra tại Đông Nam Á với nhiều triển vọng sáng sủa. Năm ngoái, “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Lazada. Trong khi Amazon cũng sắp đặt chân vào thị trường này để khai thác tiềm năng.

Bên cạnh những triển vọng tích cực, thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á vẫn còn những thách thức nhất định. Khu vực này hiện có hơn 600 triệu người, nhưng mỗi quốc gia lại có cơ sở hạ tầng, quy định pháp luật, ngôn ngữ khác nhau. Tiềm năng tăng trưởng của khu vực này cũng chưa thật sự đủ lớn cho nhiều “người chơi” tham gia, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo một nghiên cứu thị trường của Frost & Sullivan, tại khu vực Đông Nam Á, doanh số bán hàng trực tuyến chỉ chiếm 2,5% trên tổng mức bán lẻ, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 12%. Tỷ lệ người tiêu dùng có thẻ tín dụng trong khu vực cũng chưa đến 7%, trừ Singapore và Malaysia.

Do vậy, ưu tiên hàng đầu đối với các hãng bán lẻ trực tuyến khi muốn phát triển mạnh ở thị trường này là khắc phục những rào cản về mặt hậu cần, khám phá những xu hướng và giải pháp mới.

“Một nền thảng thương mại điện tử hiệu quả không chỉ xoay quanh các giao dịch. Nó phải chú trọng đến cả nội dung, giáo dục và sự nghiên cứu tâm lý khách hàng”, CEO Lazada nhận định.

 

Theo Báo Mới