Trong kỷ nguyên số, thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thay đổi quan điểm và cách thức về xây dựng thương hiệu.
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin ở Việt Nam trong hơn một thập niên qua đã có sự tác động đáng kể đến hoạt động tiếp thị cũng như xây dựng và định vị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Những giải pháp công nghệ hiện đại đã góp phần tạo ra sự nhận biết thương hiệu mạnh hơn bao giờ hết và làm tăng số lượng người biết tới nhãn hiệu một cách nhanh chóng. Tại cuộc hội thảo “Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” do Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức vào tháng 1 vừa qua ở Hà Nội, các diễn giả đã cùng chia sẻ quan điểm rằng các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng thương hiệu.
Đến thời của thương hiệu điện tử
Theo Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong danh sách 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, với gần 50 triệu người, trong đó 60% là người trẻ. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm, Internet trở thành nguồn thông tin quảng cáo phổ biến nhất để người tiêu dùng biết đến sản phẩm. Hiện tại, có 73% số người tiêu dùng tìm hiểu thông tin trên mạng trước khi mua hàng, và đa phần người tiêu dùng Việt Nam hiện nay chọn sản phẩm, dịch vụ theo thương hiệu.
Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần có sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh, điều chỉnh hoạt động về nhận dạng thương hiệu để tránh bị “lạc hậu” so với đối thủ của mình.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh, cố vấn của Chương trình thương hiệu quốc gia, cho biết khi xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số, doanh nghiệp cần hướng đến tính tương tác cao với các môi trường khác nhau, trong đó có môi trường Internet. Hoạt động xây dựng thương hiệu không đơn giản chỉ là “vẽ” ra logo đẹp, mà còn phải tối đa hóa lợi ích của khách hàng, không chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá.
“Trong kỷ nguyên số không thể bỏ qua thương hiệu điện tử, một môi trường có tính tương tác cao mà chi phí cho hoạt động tiếp thị lại thấp. Doanh nghiệp cần tư duy lại để xây dựng thương hiệu của mình. Không chỉ đơn giản là logo, hay các hoạt động quảng cáo trên các kênh truyền thông”, ông Thịnh nói và cho biết thêm rằng kết quả cuộc khảo sát nói trên cho thấy 70% số doanh nghiệp nhỏ và vừa có đăng quảng cáo trên báo và tạp chí (bình quân hai lần mỗi năm) không mang lại tác dụng lớn.
Cơ hội đi cùng sự thách thức
Hiện, việc áp dụng Internet nói chung và công nghệ số nói riêng để tạo dựng và phát triển thương hiệu còn nhiều điều hạn chế. Mặc dù số lượng người tiêu dùng sử dụng Internet cao nhưng chi phí đầu tư cho hoạt động tiếp thị trực tuyến của doanh nghiệp còn rất khiêm tốn.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, chi phí đầu tư cho quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam trong năm qua chỉ 15 triệu đô la Mỹ. Còn theo cuộc thống kê của công ty TNS, chuyên về nghiên cứu và đo lường các hoạt động truyền thông, chi phí quảng cáo trực tuyến chỉ chiếm dưới 5% tổng chi phí quảng cáo, phần còn lại vẫn thuộc về kênh truyền hình, báo, tạp chí dù chi phí trên các kênh này rất đắt đỏ.
Ông Vũ Xuân Trường của Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói rằng nhiều doanh nghiệp hiện mới chú ý đến chiến lược kinh doanh, còn chiến lược thương hiệu thì vẫn “mông lung”, chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch bài bản hơn về xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số, trong đó, cần chú ý đến mạng xã hội, vì kênh truyền thông này đang phát triển nóng và có sức lan tỏa rộng.
Theo ông Trường, sự thách thức trong kỷ nguyên số là tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt và công nghệ luôn thay đổi. Doanh nghiệp nhỏ, do bị hạn chế về nguồn lực nên phải đối mặt với sự thách thức về việc nâng cao công nghệ, song, vẫn có thể tận dụng cơ hội của thời đại số trong việc tạo ra cộng đồng liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh để hỗ trợ và tương tác lẫn nhau.
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ mạng Internet nhiều hơn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Người tiêu dùng thường tham khảo ý kiến đánh giá của các khách hàng khác về món hàng mà họ muốn mua. Vì vậy, doanh nghiệp cần gia tăng tính kết nối với người tiêu dùng nhưng cũng phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và dịch vụ để giành lấy sự tin tưởng của họ.
Theo Báo Mới