VNPT, Viettel bắt tay làm thanh toán điện tử với kỳ vọng khách hàng có thể giao dịch, thanh toán ở mọi lúc, mọi nơi chỉ với chiếc điện thoại.
Ngay từ khi ra mắt dịch vụ BankPlus vào đầu 2011, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã đặt mục tiêu biến mỗi chiếc điện thoại cá nhân trở thành một điểm giao dịch ngân hàng. Khi đó, đây là sản phẩm đầu tiên về mobile banking hợp tác giữa ngân hàng và nhà mạng, đem đến một sản phẩm đơn giản, bình dân có thể sử dụng trên mọi loại thiết bị di động.
Sau nhiều năm phát triển và tích hợp các tính năng mới, giờ đây bằng một tài khoản BankPlus, người dùng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán dưới nhiều hình thức như tra cứu số dư tài khoản, lịch sử giao dịch, chuyển tiền qua ngân hàng trong chưa đầy 15 giây. Các thuê bao cũng có thể chuyển tiền cho người nhận qua chứng minh nhân dân, ví điện tử, thanh toán hóa đơn cho thuê bao di động trả sau, internet, điện, nước, nạp tiền cho thuê bao di động trả trước của nhà mạng này… Riêng dịch vụ chuyển tiền mặt tận nhà đến nay vẫn là một đặc trưng riêng của BankPlus rất được ưa chuộng ở vùng sâu vùng xa.
Khác với những dịch vụ thanh toán điện tử thông thường, các giao dịch qua BankPlus được thực hiện ở bất cứ nơi nào có sóng di động của Viettel mà không cần phải dùng smartphone, không phụ thuộc vào việc kết nối mạng wifi, 3G và không cần cài đặt ứng dụng... Không chỉ phát triển ở thị trường trong nước, ứng dụng này còn được nhân rộng tới 7 thị trường nước ngoài.
Sau hơn 6 năm ra mắt, hiện BankPlus có 3,4 triệu thuê bao, tạo ra doanh số chuyển tiền vào khoảng 17.500 tỷ đồng. Đơn vị này cũng kết nối với 800 nhà cung cấp dịch vụ, mở rộng liên kết với 12 ngân hàng.
Tuy nhiên, Viettel không phải là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên lấn sân lĩnh vực thanh toán điện tử. Trước đó, từ năm 2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã góp 35% vốn thành lập VNPT Epay - đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử qua mã thẻ trả trước, qua SMS hay ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ.... Hiện VNPT Epay là một trong ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử lớn nhất Việt Nam.
Gần đây, VNPT - Media, đơn vị trực thuộc Tập đoàn này cũng ra mắt VNPT Pay - một nền tảng thanh toán tập trung của VNPT. Với nền tảng đó, khách hàng có thể thanh toán phí dịch vụ, cước, hóa đơn, mua mã thẻ, ví điện tử, các giao dịch thương mại, thu hộ, chi hộ...
Các nhà mạng cũng mở rộng hợp tác để trở thành một kênh thanh toán của các đối tác. Hiện các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đều đã ký kết với các đối tác lớn như Google, Microsoft để triển khai hình thức thanh toán qua tài khoản di động. Theo đó, khi chủ thuê báo có nhu cầu mua ứng dụng, game trả phí trên Google Play, hoặc Window Phone... bằng tài khoản điện thoại mà không cần thẻ ngân hàng. Điểm nổi bật của phương thức thanh toán này là bất kể khách hàng trả trước hay trả sau đều có thể sử dụng và trừ thẳng trực tiếp chi phí trên tài khoản di động.
Các doanh nghiệp lớn như Viettel, MobiFone, VinaPhone cho đến nhà mạng nhỏ như Vietnammobile đều liên tục tìm kiếm những đối tác để đa dạng hóa hình thức thanh toán cước cho các chủ thuê bao. Nhà mạng "bắt tay" với các ngân hàng, cổng thanh toán hoặc đơn vị cung ứng giải pháp thanh toán di động như Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), VNPay, SML, Ví điện tử Momo, VTC Pay, Moca... để triển khai các dịch vụ thanh toán cước trực tuyến và nạp tiền tự động mà không phải mua thẻ cào hoặc đến cửa hàng giao dịch. Một số hình thức còn cho phép nhà mạng tự động trích nợ vào tài khoản thẻ khách hàng đã đăng ký để thanh toán cước hoặc nạp tiền.
Cổng thanh toán riêng của các nhà mạng cũng được các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhằm tăng độ an toàn, tin cậy cho chủ thuê bao. Riêng cổng thanh toán trực tuyến của Viettel Payment, bên cạnh dịch vụ viễn thông còn cho phép khách hàng thanh toán cước truyền hình, phí bảo hiểm...
Các doanh nghiệp viễn thông còn cho ra đời ứng dụng thanh toán riêng dành cho các thuê bao áp dụng những công nghệ hiện đại như MobiFone NEXT, EZPay VinaPhone... Với MobiFone NEXT, chủ thuê bao MobiFone có thể nạp tiền nhanh qua tính năng đọc mã QR code (công nghệ thanh toán bằng tính năng quét mã vạch) trên các thẻ cào, mua các sản phẩm, dịch vụ viễn thông của nhà mạng. Hiện các hoá đơn cước của Vinaphone cũng được tích hợp thêm trên QR Code. Khách hàng chỉ cần có ứng dụng tài khoản thanh toán của ngân hàng cài trên điện thoại, quét QR Code trên hoá đơn là có thể hoàn thành thanh toán.
Ở các ứng dụng chăm sóc khách hàng như My Viettel, My Vinaphone, My MobiFone, các nhà mạng cũng tích hợp tính năng nạp thẻ, quét QR-Code serial thẻ cào, thanh toán cước phí qua tài khoản ngân hàng...
Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone nhận định xu hướng thanh toán di động là xu hướng đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu và nhà mạng này không muốn bỏ lỡ cơ hội đó để đáp ứng nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng. Ông cũng lý giải điều khiến hình thức thanh toán qua di động (mobile payment) trở nên ngày càng thông dụng là nhờ sự tiện lợi, bảo mật cao và nhận nhiều hỗ trợ từ nhà mạng.
Đại diện BankPlus cũng cho biết, trên thế giới đã phát triển rất mạnh mẽ tại 92 quốc gia với khoảng 277 dịch vụ. Thị trường thanh toán qua di động tại Việt Nam hiện cũng đang “nóng lên từng ngày” với sự nhập cuộc liên tiếp của rất nhiều ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ, các fintech trong nước, đặc biệt là các tổ chức lớn của nước ngoài.
Tuy nhiên, lãnh đạo BankPlus cũng cho rằng, các đơn vị triển khai thanh toán qua di động tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn chung là thói quen tiêu dùng tiền mặt chiếm đến 90%. "Việc ngày càng có nhiều đơn vị vào thị trường sẽ góp phần nâng cấp hạ tầng thanh toán và đào tạo khách hàng chuyển đổi thói quen tiêu dùng không tiền mặt", vị này nhận định.
Đại diện BankPlus dự đoán cùng với sự gia tăng về thu nhập, lối sống bận rộn, sự thâm nhập của điện thoại di động, internet sẽ khuyến khích người dùng cá nhân cũng như các công ty lựa chọn phương thức giao dịch di động bởi tính tiện ích và nhanh chóng. Ông cho biết, thị trường thanh toán di động thế giới từ nay đến 2020 dự đoán đạt mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đến 35,2% và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Ngọc Tuyên
* Nguồn: VnExpress