VOV.vn đưa tin về chương trình Người phụ nữ tôi yêu do VNPT EPAY tổ chức

Chương trình "Người phụ nữ tôi yêu" với chủ đề "Phụ nữ và Quyền được chủ động" do VNPT EPAY tổ chức ngày 18/10 với khách mời là Nhà báo Trần Mai Anh - TBT Tạp chí Heritage; nhận được nhiều sự ủng hộ của báo chí, dưới đây là trích bài đăng của Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam về chương trình:

Mẹ Thiện Nhân : “20/10, mẹ thích con tặng quà tình cảm hay vật chất”?

VOV.VN - Nhà báo Trần Mai Anh được quen gọi với cái tên trìu mến, mẹ Thiện Nhân kể về những câu chuyện không có bông băng, ca mổ mà đầy an nhiên, ngọt ngào.


Nhà báoTrần Mai Anh được biết đến như một người phụ nữ viết lên câu chuyện cổ tích giữa thế kỷ 21. Ôm lấy đứa trẻ tật nguyền, bị bỏ rơi trong vườn, bị thú ăn thịt mất 1 chân và bộ phận sinh dục, Trần Mai Anh lựa chọn được yêu thương và cưu mang đứa con tật nguyền. Một mình nuôi 3 con trai có lẽ không phải là chuyện dễ, nhưng khi nói về cuộc sống với 3 quý tử trong chương trình “Phụ nữ tôi yêu” với chủ đề “Phụ nữ được quyền chủ động trong cuộc sống”, lại không hề thấy những bông băng, những ca mổ. Câu chuyện của mẹ “cậu lính chì” chỉ có những điều an nhiên, niềm vui và tràn ngập tiếng cười.

Bất ngờ với món quà từ con trai

20/10 cách đây 2 năm Nhân có hỏi: “Mẹ thích con tặng quà gì tình cảm hay vật chất?”

Chị cũng muốn biết con mình sẽ xoay sở vật chất ra sao và đã chọn vật chất. Thiện Nhân trả lời, làm chị rất bất ngờ:“Để con nghĩ đã vì vật chất có nhiều thứ lắm! Con sẽ viết tặng mẹ một lá thư hoặc vẽ tặng mẹ một bức tranh.

Trong thế giới của trẻ con thì vật chất chính là những thứ cầm được, bản chất vấn đề nó là thế, mình là người lớn mình cứ quá phức tạp mọi vấn đề thôi, nên để mọi thứ đơn giản thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.


Sau 10 năm, cậu bé xấu số đã trở lại cuộc sống bình thường trong căn nhà ấm áp, tràn ngập tình yêu và tiếng cười, biết yêu thương và quan tâm thật nhiều tới người mẹ của mình.

Trong cuộc nói chuyện, mẹ Thiện Nhân chia sẻ, trong việc giáo dục con, chị luôn dạy Thiện Nhân nhìn nhận bản chất vấn đề một cách đơn giản nhất. Thiện Nhân bị mất chân phải, bà đã trói chân phải của mọi người trong nhà rồi cùng chơi với Nhân. Khi ấy tất cả đều loạng choạng đứng không vững, chỉ có Nhân là vững chãi. Điều đó cho thấy rằng nếu tất cả mọi người đều một chân như Nhân thì Nhân là người giỏi nhất. “Mình chỉ sợ con là người khuyết tật tâm hồn, khiếm khuyết kỹ năng xã hội và không có yêu thương”, chị Mai Anh chia sẻ.

Nhưng có vẻ như những điều chị lo sợ đã không xảy ra. Thậm chí theo cách nói của chị, Thiện Nhân còn dạy mẹ về cách đối xử với người khác.

Cậu bé kể ở trường có bạn rất to, béo, đánh tất cả mọi người, đánh cả bạn lớp trên. Chị lo con nhỏ, bị bạn đánh thì tội nên khuyên con tránh xa bạn ấy ra. Không ngờ Nhân bảo mẹ: “Bạn ấy là bạn thân của con”, mẹ Thiện Nhân “cứng lưỡi”, thậm chí cậu bé còn quay ra trấn an mẹ: “Mẹ yên tâm, vì con là bạn thân nên bạn ấy sẽ không đánh con”.

Chị Trần Mai Anh rất bất ngờ với cậu con trai trên tài mẹ: “Khi còn bé, mẹ vẫn cho mình chơi với các bạn hư, chơi nhưng không được học tính xấu của bạn. Nhưng Thiện Nhân lại hơn hẳn một nấc, chơi với bạn đầu gấu trong lớp, vì Nhân nghĩ bạn thân không bao giờ đánh mình. Vì vậy mà đi đâu làm gì, mình cũng khá yên tâm vì con không bị ảnh hưởng”.

Một mình nuôi 3 con có khó?

Tự nhận mình là một người sống không phải chuẩn mực, với chị không có điều xấu, không có quá tốt mà chỉ là phù hợp với cuộc sống của mỗi người. Chị khoe, Thiên Minh (con trai đầu của chị) đã học lớp 11, khá cao và “đàn ông bản lĩnh”, luôn chăm lo, bảo vệ cho các em. Với Thiện Nhân, nhiều khi vẫn gọi anh Minh là bố. Chị cũng không can thiệp nhiều vào cách xưng hô của các con.

Mai Anh đã ly hôn cách đây một vài năm, người chồng cũ chính là người đồng hành cùng chị trong quá trình đón, chăm sóc và chữa trị cho Thiện Nhân. Hiện tại, cậu bé đang lấy họ của cha.

Mai Anh tâm sự, điều chị cảm thấy tự hào nhất trong cuộc đời này là sinh con ra, chịu trách nhiệm với con và mong những điều tốt đẹp nhất để con trưởng thành. Chị không sống phụ thuộc và bị điều nào đó ảnh hưởng tới việc nuôi dạy cũng như để con trai của mình lớn lên, sống vui vẻ.

Mai Anh chia sẻ, với nhiều người mẹ, việc có một con đã đủ cuốn trôi hết thời gian, có con như “đi tù” vì không thể làm gì khác. Còn chị tự nhận mình may mắn là có tận 3 người con và các con có thể tự trông nhau. Bởi vậy mà bà mẹ 3 con tự nhận: “Nhà mình đông con nhưng tỉnh tình tinh hơn rất nhiều”.

Mai Anh kể, ngay từ nhỏ, chị đã để các con tự dạy nhau học bài, đi vệ sinh…Anh em trong gia đình phải chăm sóc lẫn nhau, chị rèn con sống theo cách tự lập nhưng cũng biết đỡ lẫn nhau. Mẹ Mai Anh kể: “Khi Thiện Nhân vào lớp 1, anh Hải Minh (chỉ hơn 1 tuổi) nhận sẽ dạy em viết chữ. Sau đó mình thấy anh em khóc ầm ĩ, nhìn Nhân rất hậm hực. Mình mới hỏi tại sao? Em Nhân rất ấm ức, vừa khóc vừa nức nở. Anh Minh bé cứ đòi dậy con, mà chữ anh xấu thế, con cũng chữ xấu thì sao?”.

Hải Minh dạy em học chữ, đổi lại Thiện Nhân lại dạy anh những điều khác như cách băng bó khi bị thương.

Mẹ Thiện Nhân cho biết, chị sợ cách dạy con của nhiều người với tư tưởng, em bé phải được nhường nhịn. Nhưng với Mai Anh, người thắng là người đúng, mẹ thua cũng là chuyện bình thường. Do vậy, chi luôn tạo cho các con môi trường gần nhau, chứ không phải em bé cần nhường lớn hay lớn cần nhường bé, mẹ cần con hay con cần mẹ.

Chia sẻ về cách dạy con “không giống ai”, chị cho biết, có những lần các con cãi nhau, chị cấm không cho chơi, không nói chuyện với nhau. Vài lần như thế, các con phải yêu thương nhau và tự biết cân bằng với nhau. Hay có những lúc Thiện Nhân lười ăn, mẹ Mai Anh cho con “nếm mùi đói vàng mắt”, phải nài nỉ mẹ cho ăn. Từ đó cậu con trai thứ 3 không còn tật đó nữa.

Mai Anh tiết lộ, chị nuôi con nhàn, vì tất cả những gì có thể đều để các con tự làm. Khi con ốm thì mẹ chăm, khi mẹ ốm thì các con chăm. Chị nói nhỏ, khi ốm, dù ốm nhỏ cũng thành ốm to, cứ nằm im trên giường, để các con pha thuốc, giặt khăn trườm trán,… Nếu có buồn nôn, cũng nhất quyết không vào toilet mà bắt các con tự mang chậu đến bên giường. “Mình nói với các con là các con quá may mắn bởi khi mẹ buồn nôn, mẹ biết gọi các con, còn các con ốm thì nôn khắp nhà, mẹ không kêu”. Mai Anh dí dỏm cho biết đó là cách để chị được thoát thân, chiều chuộng vì bản thân quá bận. “Nên so với nhiều người mẹ khác, mình không tự hào vì mình không hi sinh, toàn tâm toàn ý vì con”./.

Link bài viết: http://vov.vn/xa-hoi/me-thien-nhan-2010-me-thich-con-tang-qua-tinh-cam-hay-vat-chat-561736.vov

CTV Nguyễn Trang/VOV.VN