Mô hình Fintech nào cho năm 2018?

 

 

(TBVTSG) - Mặc dù Fintech đang ngày càng phát triển, nó vẫn còn ở giai đoạn non trẻ. Hiện nay, Fintech chỉ chiếm khoảng 1% tổng giá trị của các ngành công nghiệp tài chính toàn cầu. Trong khi đó, truyền thông số chiếm khoảng 40%, thương mại điện tử chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng lớn mạnh cùng với sự tiếp lửa từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

 

Một số tổ chức tài chính lớn trên thế giới đã thành lập công ty đầu tư mạo hiểm để mua hoặc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Fintech. Ví dụ như JP Morgan đã dành 9,5 tỉ đô la Mỹ cho công nghệ trong năm 2016. Hay đầu năm 2018 này, Standard Chartered PLC đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm SC Ventures nhằm đầu tư vào các công ty Fintech và các công ty khởi nghiệp công nghệ khác để thúc đẩy quá trình thử nghiệm và ứng dụng mô hình kinh doanh mới.

 

Dự kiến, sự phát triển của Fintech sẽ bùng nổ trong năm 2018 này, trong đó các chuyên gia quốc tế dự báo có bốn lĩnh vực sẽ phát triển “nóng”.

 

1. Thanh toán trực tuyến

 

Fintech khởi nguồn trong lĩnh vực thanh toán. Câu chuyện thành công như PayPal, HyperWallet, và TransferWise là một minh chứng cho xu hướng này. Các công ty này đã phát triển nhanh chóng với nền tảng kỹ thuật số hiệu quả và cơ sở khách hàng ngày càng tăng. Ví dụ, PayPal xử lý 1,73 tỉ đô la Mỹ giao dịch trong quý đầu tiên của năm 2017, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

 

Mảng thanh toán dự kiến sẽ phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp có khả năng phát triển ứng dụng dự đoán hành vi của người tiêu dùng và sau đó đưa ra các dịch vụ đón đầu xu hướng.

 

2. Vay và cho vay

 

Cho vay cũng là một lĩnh vực đã chứng kiến hàng loạt sự đổi mới trong thập niên qua. Các công ty cho vay sử dụng công nghệ mạng ngang hàng (P2P) đã tạo ra một nền tảng trực tuyến, kết nối trực tiếp giữa người cho vay và đi vay, giúp loại bỏ được các trung gian tài chính, giảm chi phí kết nối. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên toàn cầu đã tăng trong vài năm trở lại đây. Nợ xấu cao có thể khiến các công ty cho vay ngang hàng gặp nhiều rắc rối. Điều này cũng có nghĩa các công ty cho vay theo hình thức mới này phải đầu tư hơn nữa vào những sáng kiến công nghệ để tạo sự tin tưởng đối với người cho vay. EFL là một ví dụ. Đây là một Fintech sử dụng khoa học hành vi để chấm điểm uy tín của người đi vay, từ đó đưa ra quyết định liệu có nên cho vay người này hay không.

 

3. Quản lý tài sản

 

Đây là lĩnh vực được dự báo là sẽ bùng nổ trong thời gian tới, sẽ mở ra cơ hội lớn cho các công ty Fintech.
Hiện nay, gần một phần ba lực lượng lao động trên thế giới là thế hệ Y (Millennial), tức sinh ra từ năm 1980 đến 2020. Họ mong muốn tìm được cơ hội đầu tư tốt để sau này có một mức thu nhập ổn định từ các khoản đầu tư đó. Ngoài ra, họ cũng không còn hứng thú với các dịch vụ tư vấn đầu tư truyền thống vì có danh mục đầu tư nghèo nàn.

 

4. Tiền số

 

Tiền tệ kỹ thuật số có khả năng gây rối loạn ngành tài chính truyền thống. Sự xuất hiện của bitcoin và các công nghệ có liên quan đến tiền ảo như blockchain đã giúp tiền số hóa trở thành hiện thực. Các tổ chức tài chính đã bắt đầu áp dụng mô hình này trong tổ chức của mình theo những cách khác nhau. Ví dụ, các ngân hàng lớn của Canada muốn chuyển danh tính trực tuyến của khách hàng vào một hệ thống blockchain (cuốn sổ cái) được thiết kế bởi bởi IBM và SecureKey. Tương tự như vậy, các ngân hàng châu Âu đã đồng ý sử dụng blockchain để tạo ra một nền tảng tài chính thương mại.

 

Tóm lại, những đặc điểm như chi phí thấp, tính hiệu quả cao, sự cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, và hỗ trợ khách hàng nhanh chóng… là những yếu tố để Chính phủ, quỹ đầu tư mạo hiểm và các doanh nghiệp kỳ vọng một sự bùng nổ Fintech trong thời gian tới.

Theo thời báo kinh tế Sài Gòn online