THANH TOÁN ĐIỆN TỬ: 5 NĂM GÓP 880 TRIỆU USD VÀO GDP VIỆT NAM

(DĐDN) – Visa công bố nghiên cứu chung của Công ty với hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s về giá trị thực hiện, việc gia tăng sử dụng các sản phẩm thanh toán điện tử.Theo đó, thanh toán điện tử đã đóng góp 880 triệu USD vào tổng giá trị GDP của Việt Nam giai đoạn từ 2011 đến 2015.

Bản báo cáo với tên gọi “Ảnh hưởng của Thanh toán điện tử đến sự tăng trưởng kinh tế” đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh và chi tiết về ảnh hưởng của thanh toán điện tử đến hơn 70 nền kinh tế trong vòng 4 năm qua.

Nhìn chung, sự gia tăng của thanh toán điện tử đã tạo ra trung bình 2,6 triệu việc làm mới mỗi năm và đóng góp 298 tỉ USD vào giá trị GDP, đồng thời, giúp mức chi tiêu gia đình cho hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 0,18% mỗi năm.

Riêng tổng lượng giao dịch của Visa đã tăng 34% và mạng lưới chấp nhận thẻ cũng được mở rộng tới 38% trong tổng số điểm bán lẻ (POS) khắp cả nước. Mua sắm trực tuyến thông qua thẻ Visa cũng tăng đáng kể, đạt 47%, cùng với tần suất sử dụng Internet tại Việt Nam hiện nay ước lượng vượt hơn 45 triệu người dùng.

Báo cáo cũng chỉ ra trong số các nước được khảo sát trong khu vực, Việt Nam là nước có chỉ số tăng trưởng GDP nhờ vào sự tăng trưởng của thanh toán điện tử cao thứ 2 (0,14%), chỉ đứng sau Thái Lan (0,19%) và xếp trên Singapore (0,1%).

Ông Sean Preston – Giám đốc Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia khẳng định: kết quả chứng tỏ tiềm năng về đóng góp cho tăng trưởng GDP của thanh toán điện tử ở Việt Nam do Việt Nam đang trong giai đoạn “cất cánh”, còn các quốc gia đã có mức tăng trưởng GDP ở “đỉnh” như Singapore dù phát triển về công nghệ thanh toán điện tử và tài chính vượt trội, vẫn có sự chững lại và hạn chế sự đóng góp nhất định.

Trong số 70 quốc gia được nghiên cứu, Moody’s nhận thấy với 1% tăng trưởng của thanh toán điện tử có thể mang đến giá trị gia tăng xấp xỉ 104 tỉ USD cho mức tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ mỗi năm.

Nếu không xét thêm những yếu tố khác, tỉ lệ sử dụng thẻ cao có thể giúp GDP tăng trưởng thêm trung bình 0,04% mỗi năm. Bên cạnh đó, điện tử hóa phương thức thanh toán cũng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và giúp các Chính phủ hưởng lợi, đồng thời giúp hạn chế tối đa khả năng hình thành nền kinh tế “ngầm” – nền kinh tế bao gồm các hoạt động không chính thức và các giao dịch dựa chủ yếu vào tiền mặt.

“Vì vậy, thanh toán điện tử giúp lợi nhuận thuế của chính phủ các nước tăng lên, đồng thời cắt giảm chi phí lưu trữ tiền mặt, đảm bảo thanh toán và tạo ra hệ thống tài chính tốt hơn cho người tiêu dùng” – báo cáo nhận định.

- Theo diễn đàn Doanh Nghiệp-