Không chỉ là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm khách hàng, thương mại điện tử (TMĐT) còn tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, cho phép DN giảm chi phí, giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Tại Việt Nam, xu hướng TMĐT được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh, mang lại doanh thu lớn cho các DN.
Thương mại điện tử sẽ mang đến môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn
Cơ hội cho thương mại điện tử
Với lượng người sử dụng internet ngày càng tăng, tỷ lệ người dùng mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh ngày càng nhiều là cơ hội cho DN phát triển hình thức TMĐT. Theo số liệu khảo sát được Google thực hiện, xu hướng mua bán trực tuyến, đặc biệt qua điện thoại di động đang tăng mạnh tại Việt Nam. Ước tính đến năm 2020, tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh sẽ chiếm 60% dân số và cứ tăng 1% người dùng di động, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 100 triệu USD.
Kết quả khảo sát của Công ty cổ phần VNG (chuyên về internet và TMĐT) cũng cho thấy, mức độ thâm nhập của thiết bị di động vào thị trường quảng cáo trực tuyến tăng 40%/năm, thị trường TMĐT tăng 60%/năm, thanh toán di động trực tuyến tăng 80%/năm. Riêng năm 2016, lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đạt doanh thu 900 triệu USD, thanh toán trực tuyến đạt 680 triệu USD…
Cũng theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trung bình đạt trên 160 USD. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm, hoa - quà tặng. 48% đối tượng được khảo sát cho biết, sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản qua ngân hàng khi mua sắm trực tuyến...
Hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cho biết, sự phổ cập của internet, đặc biệt là dịch vụ băng thông rộng, tốc độ cao như wifi, 3G, 4G và các thiết bị di động hiện đại đã chắp thêm sức mạnh cho TMĐT cất cánh. Các DN trong, ngoài nước đang chạy đua cạnh tranh thị phần TMĐT với nhiều chiến lược kinh doanh mới, trong đó, kinh doanh trên ứng dụng điện thoại thông minh được dự báo sẽ diễn ra rất sôi động.
Theo Cục TMĐT và Công nghệ thông tin, ở Việt Nam, mới chỉ có 20% DN nhỏ và vừa có website hỗ trợ mua bán trực tuyến và có tới 70% người được hỏi cho biết gặp trục trặc khi truy cập các trang web trên điện thoại di động.
Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay của DN là khả năng tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn hạn chế, với các thông tin giao dịch trên website hay fanpage sơ sài, đơn điệu, thiếu thông tin đầy đủ và hấp dẫn về sản phẩm. Mặt khác, có một số DN làm ăn “chộp giật”, đăng tải hình ảnh sản phẩm theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, với chất lượng thấp, không đúng mẫu mã, chất liệu như quảng cáo, làm mất uy tín với khách hàng, từ đó ảnh hưởng đến việc mua bán qua kênh TMĐT nói chung.
Cục TMĐT và Công nghệ thông tin cũng cảnh báo, các DN trong nước thận trọng tìm hiểu và áp dụng phương thức thanh toán an toàn, bảo đảm quyền lợi của mình khi thực hiện giao dịch với DN nước ngoài qua kênh TMĐT. Chiêu thức chủ yếu là những giao dịch đầu tiên thực hiện nhanh gọn, thanh toán đầy đủ để tạo uy tín, sau đó thỏa thuận mua với số lượng hàng hóa lớn nhưng xin trả chậm và không thanh toán. Đã có một số DN xuất khẩu trong nước bị “quỵt” lượng hàng, tiền lớn, còn đơn vị mua thì cao chạy xa bay.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020. Trong đó, chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách tại địa phương; đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT, như hạ tầng thanh toán, logistics, chứng thực và giao dịch bảo đảm. Phát triển nguồn nhân lực, trong đó đẩy mạnh đào tạo về TMĐT, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT của DN…; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, phát triển ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động và phát triển nội dung số cho TMĐT, khuyến khích DN, cá nhân khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh TMĐT mới…
Theo Báo Mới