Người Hà Nội vs người Sài Gòn: Thói quen mua sắm trực tuyến

Nằm ở hai đầu tổ quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nhiều đặc trưng khác biệt: từ phong tục, tập quán đến thói quen mua sắm.

Nghiên cứu này được chúng tôi thực hiện thông qua việc phân tích 1 triệu lượt truy cập trên iPrice.vn trong năm 2016 nhằm trả lời cho câu hỏi người Hà Nội hay người Sài Gòn có thói quen mua sắm trực tuyến khác biệt như thế nào.

Chân dung người mua sắm trực tuyến, họ là ai?

 

Cùng điểm lại bức chân dung người mua hàng trực tuyến tại hai thành phố có lượng người mua hàng trực tuyến lớn nhất cả nước. Thế hệ Millenials (18-35) chiếm một bộ phận đông đảo số người mua sắm trực tuyến. Ở cả hai thành phố, phụ nữ vẫn là đối tượng chính của mua sắm trực tuyến.

Mặc dù không có sự chênh lệch lớn về đối tượng mua hàng trực tuyến, hành vi mua sắm của người Sài Gòn và người Hà Nội có nhiều nét khác biệt rõ rệt.

Người Sài Gòn tính kĩ hơn người Hà Nội khi tham gia mua sắm trực tuyến

 

Người Sài Gòn dành nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin về sản phẩm hơn người Hà Nội. Nghiên cứu đã cho thấy người Sài Gòn dành hơn 36% thời gian so với người Hà Nội để tìm kiếm sản phẩm. Một trong những nguyên nhân chính là do các nhãn hàng và sản phẩm dễ du nhập vào thành phố Hồ Chí Minh hơn, vì thế người Sài Gòn hiểu họ có nhiều sự lựa chọn. Họ thường có xu hướng dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin sản phẩm hơn trước khi đưa ra một quyết định mua sắm.

Thói quen tiêu dùng dịp Tết- Người Hà Nội: tích cực sắm sửa

Với tâm lí mua để tích trữ cho mấy ngày Tết, người Hà Nội mua sắm nhiều hơn hẳn vào tuần lễ Giáp Tết. Người Hà Nội cũng có thói quen ăn Tết dài hơi hơn Sài Gòn, cho dù tuần lễ Tết có kết thúc thì họ vẫn dành thời gian sau đó để lai rai, tận hưởng Tết. Lượng truy cập vào trang bán hàng trực tuyến của người Hà Nội vẫn có sự gia tăng đáng kể vào tuần lễ sau Tết. Trong khi đó, người Sài Gòn không quá câu nệ chuyện mua sắm trước và sau Tết. Thay vì mua sắm theo đợt như người Hà Nội, người Sài Gòn vẫn giữ nguyên nhịp độ mua sắm của mình.

Vào ngày hội mua sắm trực tuyến Black Friday, lượng truy cập vào các trang bán hàng trực tuyến tăng đột biến ở cả hai thành phố, đặc biệt là ở Hà Nội, cho thấy mức độ nhạy cảm của người Việt về các thông tin khuyến mãi. Nguyên nhân một phần là do người Hà Nội dễ chịu tác động của quảng cáo và hình thức khuyến mãi giảm giá trực tiếp hơn người Sài Gòn, một phần là họ có thói quen mua hàng mỗi khi doanh nghiệp tung ra khuyến mãi.

Cốc cốc vượt qua cả Firefox trở thành trình duyệt web phổ biến thứ nhì

Khi tìm kiếm thông tin sản phẩm trên mạng hoặc trên các trang bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng Việt Nam không chỉ sử dụng các trình duyệt web ngoại mà còn ưa thích những trải nghiệm lướt web mang tính địa phương hoá. Số liệu đã cho thấy, Cốc Cốc chiếm một thị phần người dùng không hề nhỏ ở cả hai thành phố (31% Hà Nội và 26% ở Hồ Chí Minh). Sự thành công của Cốc Cốc đã cho thấy rẳng các nhà tiếp thị, muốn đem sản phẩm của mình đến gần đối tượng khách hàng hơn cần tối ưu hoá trải nghiệm tìm kiếm địa phương, để có được kết quả tốt nhất.

Theo Brands VietNam