Theo nhận định của các chuyên gia, lợi ích kinh tế từ áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn.
Bởi trên phạm vi cả nước, mỗi năm ước phát sinh khoảng 6,5 tỷ hóa đơn thanh toán. Riêng tại TPHCM đã chiếm hơn 1 tỷ hóa đơn phải thanh toán. Một khi có phương tiện thanh toán hiện đại thay thế, không dùng tiền mặt thì các lợi ích mang lại về thời gian, tài chính cho nền kinh tế là rất rõ ràng.
Minh bạch các hoạt động thanh toán
Từ quyết tâm của chính quyền, mới đây, UBND TPHCM có chủ trương ủng hộ một ngân hàng thương mại triển khai thí điểm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố. Với sự ủng hộ này, bước đầu ngân hàng thương mại này sẽ khảo sát, lập kế hoạch kết nối hệ thống hành chính công trực tuyến của thành phố với hệ thống thanh toán của Vietinbank. Thực hiện thanh toán trực tuyến thu hộ phí, lệ phí hành chính công trực tuyến tại Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Hải quan, Cục Thuế thành phố. Sau đó, tiếp tục áp dụng tại các đơn vị khác như hệ thống cửa hàng SatraMart, SaigonCoop và 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn.
Đây là động thái tích cực ban đầu cho thấy, TPHCM đang bắt tay thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế theo định hướng tại Quyết định số 2454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30-12-2016 (phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020). Về tổng thể, mục tiêu chung của đề án là tạo sự chuyển biến về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, thay đổi dần tập quán sử dụng phương tiện thanh toán trong xã hội; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; giảm tỷ lệ tiền mặt lưu thông tính trên GDP và trên tổng phương tiện thanh toán. Hướng tới cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán cả nước ở mức thấp hơn 10%.
Trên thực tế, một khi việc thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng những góp phần thúc đẩy tính an toàn cho các giao dịch, tạo lập cơ chế bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng mà còn giúp nâng cao được hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội; góp phần vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Cụ thể hơn, đề án theo Quyết định 2454/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu sẽ phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán. Nâng dần số lượng cũng như giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Đến năm 2020, toàn thị trường cả nước có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt, với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm. Song song đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn qua hình thức không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng…
Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho thấy, hiện tỷ lệ người mua sắm qua mạng thanh toán trực tuyến vẫn còn thấp. Số liệu năm 2014 có tăng so với năm 2013 nhưng vẫn có đến 64% người mua sắm trực tuyến trả sau bằng tiền mặt, thông qua dịch vụ giao hàng thu tiền hộ. Hiện nay, ít người chọn cách thức thanh toán trực tuyến qua thẻ tín dụng quốc tế (VISA, MasterCard, JCB, AMEX...), thẻ ghi nợ nội địa hay ví điện tử. Thậm chí, nhiều người dù đang sở hữu thẻ ngân hàng (ATM) nhưng vẫn giữ thói quen trả tiền mặt.
Hoàn thiện phương thức chi trả thông minh
Là thành phố năng động, được xem là đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước, TPHCM đang nỗ lực phát triển để trở thành trung tâm tài chính, văn hóa, giáo dục hiện đại không chỉ cả nước mà còn mang tầm khu vực. Đã đến lúc TPHCM cần đẩy nhanh phát triển các phương thức thanh toán hiện đại hơn trong giao dịch. Theo hướng phấn đấu, TPHCM sẽ sớm trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực liên quan đến đời sống người dân như: giao thông thông minh, chi trả thông minh, dịch vụ thông minh, giáo dục thông minh.
Phân tích sâu về điều kiện để TPHCM vươn tới hoàn thiện phương thức “chi trả thông minh”, ông Peter Hồng, Chủ tịch Công ty BankPay Việt Nam, cho rằng TPHCM là đầu tàu kinh tế tập trung nhiều nguồn lực, trí tuệ; nhiều tập đoàn, công ty lớn của thế giới hoạt động tại đây. Do vậy, TPHCM cần tập trung vào 4 nhóm đối tượng để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn gồm: giới trẻ; hệ thống siêu thị, nhà hàng, cơ sở dịch vụ có khách quốc tế; hệ thống bệnh viện lớn; toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông (chi trả nhiên liệu, chi phí tham gia giao thông…). “Dĩ nhiên, thời gian đầu áp dụng sẽ có chút khó khăn do người dân chưa quen, có thể đôi khi lúng túng. Nhưng với điều kiện thuận lợi của mình, nếu TPHCM không làm được thanh toán không dùng tiền mặt thì có lẽ không có tỉnh thành nào trên cả nước có thể thực hiện được”, ông Peter Hồng nhận định.
Để khuyến khích người dân tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, ông Peter Hồng đề xuất ở mỗi lĩnh vực, sau khi người dân dùng thẻ thanh toán chi trả, cần cộng điểm trên thẻ để khuyến khích. Điều này được nhiều quốc gia phát triển đang áp dụng tích lũy điểm cộng thưởng bằng tiền. Ví dụ, khi thanh toán giá trị một triệu đồng trên thẻ sẽ được cộng 10 điểm (10 điểm tương đương 5.000 đồng).
Nhìn về hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt tại TPHCM, ông Peter Hồng góp ý, TPHCM cần tập trung đầu tư hơn nữa cho các lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn, hệ thống xe buýt cần lắp hệ thống cảm biến nhận diện khuôn mặt để hỗ trợ thanh toán; các đầu đọc thẻ cho phép tự động trừ tiền vào tài khoản khách hàng, khi họ cầm thẻ ngân hàng đi lên xe buýt… “Thanh toán không dùng tiền mặt nên bắt đầu từ những gì gần gũi với người dân. Ví dụ như các dịch vụ ăn uống trên đường, một số nước phát triển vẫn còn duy trì quán ăn di động nhưng họ đã trang bị máy POS để quẹt thẻ và hoàn toàn không nhận thanh toán bằng tiền mặt. Điều này chính người bán cũng sẽ được lợi, bởi họ không sợ nạn tiền giả, không mất công ngồi kiểm đếm số tiền bán được trong ngày…”, ông Peter Hồng chia sẻ thêm.
Tương tự, với các khoản thanh toán học phí tại các trường học, nếu nhà trường áp dụng hình thức thanh toán qua thẻ, phụ huynh chỉ cần ngồi nhà hoặc tại nơi làm việc có thể thanh toán học phí cho con em mình. Hoặc khi đi khám bệnh, người dân sẽ không phải xếp hàng đợi đến lượt đóng tiền viện phí, mua thuốc. Nếu bệnh viện có thể hỗ trợ thanh toán bằng điện thoại, khách hàng chỉ cần bật điện thoại, quét mã vạch là xong. Việc áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt có thể áp dụng tại hàng trăm hệ thống siêu thị tại thành phố, trường học, cơ sở y tế, các chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền… nơi có lượng giao dịch lớn giữa các tỉnh đưa hàng về bán sỉ. Trong tương lai, thành phố tiến tới áp dụng cho các hệ thống giao thông như taxi đường thủy, metro...
Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt tại TPHCM được đánh giá là rất lớn nên rất cần sự chung tay của các đơn vị triển khai và cơ quan nhà nước trong việc phát triển thêm công cụ hỗ trợ thanh toán như máy POS, điểm phát wifi miễn phí, internet 4G… Đồng thời, yêu cầu các đơn vị giáo dục, y tế, các cơ quan hành chính công đi đầu trong công tác thanh toán không dùng tiền mặt khi cung cấp dịch vụ.
Thêm nhiều lựa chọn giải pháp thông minh
Nhiều giải pháp thông minh ứng dụng cho đô thị đang trong quá trình phát triển nhanh vừa được giới thiệu tại một triển lãm về công nghệ diễn ra tại TPHCM vừa qua. Các giải pháp đó là: thanh toán qua mã vạch, ứng dụng internet vạn vật (IoT) cho các nông trại (hay còn gọi nông nghiệp thông minh), giao thông thông minh… Đây là sự kiện kết hợp triển lãm về các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực như phát thanh truyền hình, viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông.
Tại triển lãm, các đơn vị như VNPT Technology, MobiFone, FPT Telecom, VTC và một số đơn vị khác đã giới thiệu các sản phẩm, ứng dụng và thiết bị công nghệ IoT, truyền hình kỹ thuật số, cáp quang tốc độ cao, các giải pháp bảo mật, công nghệ truyền hình số, trình diễn công nghệ truyền hình 4K tích hợp. Đặc biệt, Công ty VNG giới thiệu công nghệ thanh toán nhanh có thể áp dụng tại các chuỗi bán thức ăn nhanh; trang bị tính năng thanh toán cho máy bán nước giải khát tự động qua công nghệ thanh toán bằng mã vạch QR code-Zalo Pay… Công nghệ thanh toán này sẽ thích hợp với hoạt động thanh toán tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn và các điểm dịch vụ…
Triển lãm quốc tế Việt Nam ICT Comm 2017 nói trên thu hút khoảng 250 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 350 gian trưng bày.
Theo VNPT EPAY