Văn hóa thương mại điện tử: Đào sâu hay mở rộng?

Chỉ trong vòng ba năm trở lại đây, Alibaba đã không ngừng vươn rộng. Tập đoàn này mua lại công ty thương mại điện tử đình đám của Đông Nam Á là Lazada từ tay Rocket Internet với giá 1 tỉ đô la Mỹ, đặt những bước chân đầu tiên vào thị trường tiềm năng có hơn 600 triệu dân này, và vào tháng 7 năm nay rót thêm 1 tỉ đô la nữa vào Lazada để chuẩn bị cho cơ sở hậu cần. Rồi đến tháng 8, Alibaba lại đầu tư 1,1 tỉ đô la vào công ty thương mại điện tử lớn nhất của đất nước vạn đảo Indonesia là Tokopedia. Ở khu vực Nam Á, Alibaba đầu tư 177 triệu đô la vào công ty thương mại di động PayTM của Ấn Độ nhằm tạo nên một hệ sinh thái cho mình trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ mạnh tại đất nước hơn 1,32 tỉ dân này là Flipkart và Snapdeal.

Trong khi Alibaba chọn con đường bành trướng ra thị trường nước ngoài thì JD.com chọn cách thức phát triển theo chiều sâu.

Theo các hãng nghiên cứu toàn cầu, Trung Quốc hiện chiếm đến 40% thị trường thế giới nhờ vào sự hỗ trợ của hai nền tảng chính là Alibaba và TencentHãng tin Bloomberg dự báo rồi đây BATs của Trung Quốc sẽ qua mặt FAANGs của Mỹ. BATs bao gồm công ty tìm kiếm Baidu, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và tập đoàn nội dung số Tencent, đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhóm FAANGs gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google. Tháng 5 năm nay, Alibaba và Tencent được xếp vào  nhóm 11 titans – là những công ty công nghệ có giá trị thị trường lớn hơn 300 tỉ đô la – đứng vào hàng thứ 7 và thứ 10 tương ứng trong danh sách mà năm vị trí đầu lần lượt là Apple, Alphabet(tập đoàn mẹ của Google), MicrosoftAmazon và Facebook. Trong vài năm gần đây, các công ty công nghệ của Trung Quốc đã tăng tốc rất nhanh với các chiến lược tăng trưởng khác nhau.

Bloomberg lý giải ở Trung Quốc đang hình thành một cuộc cách mạng công nghệ mang tên “ưu tiên cho di động” (mobile-first), theo đó người tiêu dùng sẽ bắt đầu việc truy cập mạng Internet bằng thiết bị di động mà ai cũng mang theo bên người, cho dù là để tìm kiếm trên Baidu, mua sắm trên các khu chợ của Alibaba hay tải về những phần mềm ứng dụng trên Tencent. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc (China Internet Network Information Center), hiện nay Trung Quốc có 723,6 triệu người sử dụng điện thoại di động. Con số này lớn gấp đôi so với dân số Mỹ và bằng khoảng một phần ba dân số châu Âu. Trong khi đó Cục Thống kê Quốc gia (National Bureau of Statistics) cũng ghi nhận doanh số bán hàng qua mạng tại đây đã đạt đến giá trị 750 tỉ đô la trong năm 2016, nhiều hơn cả Mỹ và Anh cộng lại, và tỷ lệ tăng trưởng sẽ duy trì 20% mỗi năm cho đến năm 2022. Tốc độ tăng trưởng này nhanh gấp đôi so với Mỹ và Anh, và đến năm 2020 thì thương mại di động Trung Quốc sẽ chiếm đến 74% thương mại điện tử, so với con số 46% ở Mỹ.

Trên thực tế, hiện nay Baidu là công nghệ tìm kiếm thống trị ở Trung Quốc, trong khi hai ngôi chợ trực tuyến Taobao và Tmall của Alibaba có đến 529 triệu người mua sắm thông qua thiết bị di động của họ, và mạng xã hội di động WeChat của Tencent có đến 936 triệu người mỗi ngày truy cập hơn bốn giờ đồng hồ – một khoảng thời gian quá lớn đối với một ngày làm việc. Từ WeChat người ta có thể tìm một bác sĩ ở gần nhà, đúng với bệnh tình và giá cả phải chăng; người ta có thể sắp xếp cuộc hẹn, trả tiền chữa bệnh, hay nhận toa cùng thuốc điều trị. Trong các khách sạn người ta dùng điện thoại để đặt và trả tiền bữa ăn. Người ta cũng có thể vào WeChat để đặt vé xem phim hay gọi xe đến một rạp hát. Và, để trả tiền giữa những bạn bè với nhau, người ta cũng sử dụng WeChat. Ngược lại tất cả những tiện nghi đó, Tencent thu tiền dịch vụ nhưng quan trọng hơn là có tất cả những dữ liệu mà không ai khác có thể có.

Mobile-first làm nên cuộc cách mạng

Mobile-first đang làm nên một cuộc cách mạng kinh doanh, và BATs đang chọn con đường đó để qua mặt FAANGs. Nhưng đối với Alibaba, mobile-first cũng đang hướng hai khu chợ trực tuyến Taobao và Tmall đến tình trạng bão hòa trong 10 hay 15 năm tới, và việc chọn lựa một chiến lược phát triển lâu dài phải bắt đầu từ thời điểm hiện tại. Tỷ lệ nội địa về giá trị giao dịch thương mại điện tử của Alibabađang giảm từ 61%  xuống còn 57%  vào cuối năm 2016, trong khi tỷ lệ này đang tăng từ 18% vào cuối năm 2014 lên 25% vào cuối năm 2016 ở JD.com, một công ty thương mại điện tử nổi lên từ chiến lược chất lượng trái với chiến lược giá rẻ của Alibaba. Thanh toán di động ở Trung Quốc đang tăng lên rất cao ở một vài thành phố đến độ Thủ tướng Lý Hiển Long phải lấy câu chuyện này làm dẫn chứng để lưu ý người Singapore trong mục tiêu đẩy mạnh chiến lược không sử dụng tiền mặt. Nhưng trong khi AliPay của Alibaba vẫn chiếm tỷ lệ 54% thì WePay của Tencent cũng đã nhảy lên đến 40%. Tóm lại, Alibaba không còn độc quyền áp đảo tại Trung Quốc nữa, kể cả khi họ mang đến cho người sử dụng thiết bị di động một hệ sinh thái tốt hơn.

Alibaba đang áp đảo thị trường thương mại điện tử châu Á, điều này dễ hiểu vì Alibaba vẫn đứng hàng đầu tại quốc gia hơn 1,37 tỉ người, cho dù cuộc cạnh tranh nội địa đối với họ đang trở nên nhọc nhằn và sẽ nhọc nhằn hơn nữa trước sự xuất hiện chiến lược chất lượng dịch vụ và hiện đại hóa kênh trực tuyến của JD.com.

Trên thực tế, Alibaba đã có một thập niên rất thành công với thương mại giá rẻ, đối với một lớp khách hàng bị thu hút bởi sự mới lạ của phương thức mua bán qua mạng và những mặt hàng giá rẻ. Một mặt nào đó, thương mại điện tử đã trở thành thời thượng ở Trung Quốc đối với một tầng lớp người mới. Các nhà nghiên cứu đã phân tích năm yếu tố làm nên hiện tượng Alibaba tại Trung Quốc, bao gồm: phát triển sáng kiến kinh doanh và giải pháp thanh toán; sử dụng nhân công giá rẻ tạo nên một hệ thống phân phối chi phí thấp; gia tăng khả năng thâm nhập của thiết bị di động vào thương mại… Cuộc chuyển dịch dân cư từ nông thôn ra thành thị và việc đô thị hóa các vùng nông thôn đang làm thay đổi thói quen mua sắm truyền thống, và từ đặc điểm này Alibaba đã khai thác đúng lúc lỗ hổng mô hình thương mại hiện đại vốn rất khó xâm nhập vào xã hội truyền thống phương Đông.

Những điều phân tích kể trên chung quy cho thấy Alibabađã thành công nhờ tạo nên một hệ sinh thái thương mại giá rẻ, và hệ sinh thái này được duy trì hơn chục năm nay tạo nên ưu thế cho thị trường. Tuy rằng gần đây Alibaba có những cuộc chấn chỉnh theo sau việc có quá nhiều nhà kinh doanh mang hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lên các thị trường trực tuyến của hãng, nhưng điều đó không có nghĩa là chất lượng dịch vụ của Alibaba sẽ thay đổi một sớm một chiều khi mà ưu thế của dịch vụ vẫn là hệ thống phân phối với nhân công giá rẻ. Điều này trái hẳn với những gì Amazon đã làm, và càng trái với những sự đầu tư về chất lượng dịch vụ của JD.com, công ty thương mại điện tử đứng hàng thứ nhì ở Trung Quốc và cũng sẽ là đối thủ tiềm tàng của Alibaba ở các thị trường hải ngoại. JD.com đang đầu tư cho những trung tâm hoàn thiện đơn hàng (fulfillment center) tốt hơn và hệ thống phân phối (distribution center) chuyên nghiệp hơn, kể cả việc tổ chức các phi đội  máy bay tự lái giao hàng đến những vùng xa xôi cách trở.

Mở rộng để giữ ưu thế

Có lẽ điều gây ấn tượng nhất của Alibaba trong ba năm trở lại đây là những cuộc tiến công ra nước ngoài, nói cách khác là tập đoàn công nghệ này coi chiến lược bành trướngnhư văn hóa kinh doanh của mình. Văn hóa mở rộng cho phép người khổng lồ này không chỉ đặt chân mà còn tiến chiếm các thị trường bên ngoài, từ Ấn Độ đến Việt Nam và nay đến Indonesia là nước đông dân nhất vùng Đông Nam Á. Mua lại Lazada từ tay Rocket InternetAlibaba đang lập nên những con ngựa thành Troie tại nhiều nước Đông Nam Á, và với chiến lược này, họ dễ dàng khai thác các hạ tầng vốn có và hệ thống pháp lý tại các nước đó. Nhưng quan trọng hơn hết là qua “con ngựa” này, Alibaba đưa vào các nước Đông Nam Á một hệ sinh thái của chính mình, với giải pháp tài chính của Ant Financial, với giải pháp kho vận của Cainiao, và chuỗi cung ứng của Taobao thường được biết đến dưới tên Taobao Partners đang cung cấp hàng hóa cho các nhà kinh doanh trên cả hai nền tảng Taobao và Tmall. Ở Đông Nam Á, Taobao Partners sẽ phối hợp với Lazada Partners để chi phối thị trường thương mại điện tử đáng giá 238 tỉ đô la này.

Cuộc tiến công về phía Ấn Độ với 177 triệu đô la đầu tư vào PayTM nhằm chiếm giữ 36,31% cổ phần của công ty thương mại di động này rất có ý nghĩa với Alibaba khi mà Alipay không mấy thành công ở các nước phương Tây, và trong khi ngân hàng Paytm Payments Bank đang sở hữu 200 triệu tài khoản khách hàng sử dụng ví điện tử tại đất nước sông Hằng. Ngược lại, cuộc tiến công mới nhất của Alibaba vào Indonesia lại nhằm mở rộng hoạt động thương mại điện tửxuyên biên giới, một hình thức xuất khẩu trực tuyến mới. Tuy Indonesia nằm khá xa Trung Quốc nhưng đất nước vạn đảo với hơn 300 triệu dân là một thị trường mua bán trực tuyến rất tiềm năng. Đầu năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Rudiantara cho biết giá trị thương mại điện tử của Indonesia vào khoảng 25 tỉ đô la và sẽ tăng lên đến 130 tỉ đô la vào năm 2020, nhờ vào những chính sách mở cửa của Chính phủ.

Theo Báo Mới