APEC hiện dẫn đầu thế giới về tiềm năng phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và Internet, trong đó thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới là mấu chốt. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam vẫn chưa thể vươn ra khỏi biên giới vì vướng nhiều rào cản. Trong chương trình nghị sự APEC 2017, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng Khuôn khổ Thuận lợi hóa Thương mại điện tử trong APEC, hướng tới giải quyết những vấn đề mới trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt sàn giao dịch đóng cửa hoặc bán tháo. Trong số ít trang thương mại điện tử đang thống lĩnh thị trường trong nước, hiếm hoi lắm mới có một đến hai cái tên Việt Nam chen chân được.
Ước tính năm 2016, doanh thu của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu vào khoảng 2 nghìn tỷ USD. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dẫn đầu, chiếm tới 36%. Các chuyên gia cho rằng: Thương mại điện tử vẫn luôn là bài toán niềm tin. Nhất là khi giao dịch giữa các quốc gia với nhau, các bên thứ 3 giao nhận, thanh toán vẫn còn thiếu. Mới đây, Việt Nam đã bước đầu thiết lập những nền tảng công nghệ thanh toán mới. Đây là trợ lực quan trọng cần phải củng cố khi mở rộng các giao dịch trực tuyến.
Trong khuôn khổ Thuận lợi hóa Thương mại điện tử trong APEC, Việt Nam đề xuất tập trung vào 5 trụ cột:
- Hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý Thương mại điện tử của các nền kinh tế thành viên
- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào thị trường Thương mại điện tử xuyên biên giới
- Thúc đẩy hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân xuyên biên giới
- Thuận lợi hóa thương mại phi giấy tờ trong khu vực
- Giải quyết những vấn đề mới trong Thương mại điện tử xuyên biên giới
Ước tính đến năm 2020, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay và chiếm 50% doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu.
Theo Báo Mới