rong khi Alipay, Wechat Pay đang từng bước thâm nhập vào Việt Nam mang theo hệ sinh thái rộng khắp, điểm chấp nhận thanh toán ở nhiều quốc gia, tích hợp vào nhiều website bán lẻ lớn… thì ví điện tử Việt vẫn loay hoay với năng lực hạn chế.
Ví điện tử Việt đang đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh đến từ các giải pháp nước ngoài. Ảnh: Internet
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ CMCN 4.0” diễn ra mới đây tại Hà Nội, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thí điểm Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán năm 2008, đến nay có khoảng 40 công ty Fintech đang hoạt động, chủ yếu cung cấp dịch vụ thanh toán.
Các chuyên gia nhận định sự phát triển mạnh của ngành thương mại điện tử, công nghệ ngân hàng đã dẫn tới xuất hiện ngày càng nhiều ví điện tử ở Việt Nam.
Có thể kể đến hàng loạt cái tên đã xuất hiện từ lâu và trong thời gian gần đây như MoMo, Ngân lượng, Money Lover, VinaPay, Payoo, Mobivi, ZaloPay…
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 20 ví điện tử, nhưng người dùng thực tế rất thấp (ngay cả việc sử dụng để trả tiền hóa đơn các dịch vụ như điện, nước, Internet, mua vé xem phim, nạp thẻ điện thoại…)
“Nguyên nhân là vẫn có hơn 90% thanh toán thương mại điện tử bằng tiền mặt, việc thanh toán qua các tiện ích công nghệ Fintech còn rất hạn chế”, ông Trần Nhất Minh nói.
Ông Lương Tuấn Thành, Giám đốc Công nghệ của CMC SI cho rằng tại Việt Nam đang có quá nhiều ví điện tử, tuy nhiên lại không gắn với hệ sinh thái nào, dẫn tới bị phân mảnh.
Ví điện tử Việt chưa có được mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán rộng khắp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong khi đó những cái tên đến từ Trung Quốc như Alipay, Wechat Pay… đang từng bước thâm nhập vào Việt Nam lại làm triệt để được vấn đề này để mang lại tiện ích cho người dùng.
“Đây là sự khác biệt rất lớn”, ông Lương Tuấn Thành cảnh báo.
Cụ thể hơn, các chuyên gia cho hay cái tên như Alipay có mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán qua ví ở nhiều quốc gia và được tích hợp vào nhiều trang web bán lẻ trực tuyến lớn sẽ khiến cho ví điện tử Việt thất thế khi cạnh tranh.
Chưa hết, bên cạnh những hạn chế về hệ sinh thái, thì ngay bản thân các công nghệ ví điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử do doanh nghiệp trong nước cung cấp ra thị trường vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo “Báo cáo về dịch vụ ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và Xu hướng tại Việt Nam” do IDG Vietnam thực hiện năm 2017 cho thấy, các giải pháp Fintech đang ngày càng được quan tâm tại Việt Nam bởi tính tiện lợi và các giải pháp bảo mật hiện đại. Thế nhưng, hầu hết các giải pháp vẫn còn những nhược điểm như phí giao dịch cao, lỗi giao diện còn xảy ra khá thường xuyên.
Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc khách hàng dành cho các giao dịch ngân hàng trực tuyến vẫn chưa thực sự làm hài lòng khách hàng.
Đánh giá của các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, chỉ khoảng 3 năm nữa, các khách hàng hợp tác sử dụng Fintech sẽ tràn ngập tại Việt Nam. Không cần đến chi nhánh ngân hàng, chỉ cần thông qua các công nghệ Fintech sẽ hoàn thành giao dịch trong 5-10 phút.
Do đó, các ví điện tử muốn có thể tồn tại và phát triển trong sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nhất là khi các cái tên nước ngoài như Alipay, Wechat Pay… đang ngày càng có sự ảnh hưởng lớn thì phải xây dựng được hệ sinh thái, mở rộng tính năng ra nhiều lĩnh vực khác nhau, khắc phục các hạn chế về công nghệ, nâng cao giải pháp đảm bảo bảo mật để người dùng yên tâm sử dụng…
Các doanh nghiệp phải thắt chặt hợp tác với các ngân hàng để dòng tiền luân chuyển vào tài khoản ví điện tử được nhanh chóng, tiện lợi.
Về vấn đề bảo mật, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh nếu khách hàng còn lo ngại không an toàn, họ sẽ không sử dụng các dịch vụ ngân hàng số.
Theo ICT news