Thanh toán di động: Đi theo làn sóng mã QR

Một khách hàng trả tiền qua dịch vụ Alipay tại một cửa hàng ở Singapore. Ảnh: SCMP

Ông Xu Jialiang, một tài xế taxi tại thành phố Thâm Quyến, thường lo lắng số tiền kiếm được mỗi đêm có thể khiến mình dễ trở thành mục tiêu của bọn cướp. Tuy nhiên, sự bùng nổ các giải pháp thanh toán di động ở Trung Quốc giúp xua tan nỗi lo này. Giới tài xế taxi nằm trong nhóm những người nhanh chóng chấp nhận các giao dịch không sử dụng tiền mặt thông qua phần mềm ứng dụng điện thoại thông minh quét mã QR.  Nhờ vậy, họ không còn phải quá lo lắng về nguy cơ tiền giả và bị cướp bóc.

An toàn, dễ sử dụng

“Trong nhiều năm, tôi luôn phải mang theo vài trăm nhân dân tệ, đôi khi hơn một ngàn, trong xe mỗi ngày vì tôi luôn được trả cước bằng tiền mặt. Trước đây, bọn cướp thích nhắm đến giới tài xế taxi, nhưng nay nhờ thanh toán di động, yếu tố an toàn đã được cải thiện vì không có nhiều tiền mặt trong xe. Hầu hết các hành khách đều sử dụng ứng dụng thanh toán di động. Chỉ có những người cao tuổi và học sinh vẫn sử dụng tiền mặt”, ông Xu kể. Ngay cả người dân ở những vùng hẻo lánh cũng đã chuyển thẳng từ tiền giấy sang việc thanh toán bằng điện thoại di động, bỏ qua giai đoạn sử dụng thẻ tín dụng. Người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá thanh toán không tiền mặt là giải pháp an toàn và dễ dàng hơn thẻ tín dụng hoặc tiền mặt. 

Mã QR có thể quét được dành cho việc mua sắm không tiền mặt giờ là thứ phải có đối với nhiều thương nhân ở Trung Quốc, thậm chí cả người bán bánh trái ngoài đường phố. “Hầu hết người mua thanh toán bằng phương thức di động. Tôi không còn phải lo lắng về tiền giả hoặc tiền thối”, một người bán trái cây ngoài đường phố ở Thâm Quyến cho biết.

Chủ một gian hàng rau tại một ngôi chợ ở thành phố Quảng Châu cũng cho biết những người trông dưới 40 tuổi hiếm khi trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người trong độ tuổi 50, 60 chuyển sang  việc thanh toán di động. Hiện có hơn 15 triệu thương nhân nhỏ ở Trung Quốc bán đủ loại hàng hóa thông qua các mạng xã hội như WeChat và Sina Weibo và các nền tảng phát video trực tuyến – còn được gọi là thương mại xã hội. Hiệp hội Internet Trung Quốc đánh giá thị trường thương mại xã hội này có giá trị 360 tỉ nhân dân tệ (khoảng 54,4 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2016, với hầu hết các giao dịch mua hàng được tiến hành thông qua nền tảng thanh toán di động.

Không chỉ thương nhân nhỏ mà các siêu thị, công viên giải trí và chuỗi cửa hàng cũng đang dần rời xa tiền mặt. “Chúng tôi hiện chỉ nhìn thấy khoảng 15% các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt vào một ngày cuối tuần”, cô Sophie Yu, người điều hành một khu giải trí trong nhà ở trung tâm Bắc Kinh, cho biết. Trong khi đó, ông Li Zhiguang, người sáng lập nhãn hiệu hàng may mặc và thể thao Looksee, hiện có khoảng 300 cửa hàng trên toàn quốc, cho biết ông không khỏi bị sốc vào đầu năm nay khi biết rằng giá trị các khoản thanh toán bằng tiền mặt tại một số cửa hàng có lúc chỉ chiếm 15% tổng doanh thu. “Đó là một xu hướng khó tránh khỏi bởi số lượng người tiêu dùng trong độ tuổi 20 và 30 đang tăng. Ngay cả các đại lý ủy quyền của chúng tôi hiện cũng không thích sử dụng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng cho những giao dịch lớn”, ông Li giải thích.

Lạc quan về sự tăng trưởng

Sự phổ biến của mô hình thanh toán không tiền mặt đã đe dọa đến chỗ đứng của các ngân hàng và hệ thống thanh toán truyền thống, buộc nhà quản lý phải ban hành một loạt quy định để kiềm chế sự bùng nổ quá nhanh của lĩnh vực này. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những quy định khống chế số tiền có thể chuyển qua điện thoại di động và buộc các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán phải kết nối với tài khoản ngân hàng truyền thống.

Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính China UnionPay, được hậu thuẫn bởi nhà nước, đang tung ra các giải pháp không sử dụng tiền mặt để cạnh tranh với đối thủ Alipay của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba và WeChat Pay của công ty Tencent. “Nhà chức trách sẽ tăng cường giám sát lĩnh vực thanh toán không có tiền mặt trong những năm tới và họ sẽ ban hành những quy định chi tiết về mọi khía cạnh của việc tiêu dùng xã hội”, ông Xue Yu – nhà phân tích của IDC China – dự báo.

Sự phổ biến của phương thức thanh toán di động cũng vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, với ngày càng nhiều thương gia ở Hàn Quốc và Nhật Bản muốn kiếm tiền từ những du khách Trung Quốc ưa chuộng thanh toán không tiền mặt. Còn tại Ấn Độ, dịch vụ PayTM, thuộc sự sở hữu của hãng SoftBank (Nhật Bản) và Alibaba, có hơn 200 triệu người đăng ký sử dụng. Google cũng tung ra ứng dụng thanh toán di động ở Ấn Độ vào tháng 9, với phiên bản dành cho điện thoại chạy Android và iOS.

Ông Guan Heng, Giám đốc điều hành của Inspiry, nhà cung cấp thiết bị thanh toán di động hàng đầu Trung Quốc, bày tỏ sự lạc quan về sự tăng trưởng của thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc. Doanh nhân này dự báo số lượng cửa hàng và thương gia chấp nhận thanh toán không tiền mặt sẽ tăng ít nhất 100% mỗi năm từ giờ đến năm 2020. “Chúng tôi kỳ vọng có thể bán được 5 triệu đầu đọc mã vạch trong năm tới cho người kinh doanh ở cả Trung Quốc và phần còn lại của châu Á, gấp 7-8 lần so với năm nay”, ông Guan nói, và cho rằng xã hội không tiền mặt ở Trung Quốc đang là nguồn cảm hứng để những nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi cũng bỏ qua kỷ nguyên thẻ tín dụng và chuyển sang thanh toán di động.

Tuy nhiên, có một số mối quan ngại về sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt, như sự thống trị của những tập đoàn công nghệ cao, nguy cơ gian lận và trộm cắp dữ liệu. “Là một người bình thường và một doanh nhân, bây giờ tôi không thể sống mà không có thanh toán di động. Nhưng tôi cũng không biết một xã hội không tiền mặt sẽ dẫn dắt cuộc sống của chúng ta đến đâu. Thật khủng khiếp khi tưởng tượng rằng mình có thể mất mọi thứ nếu tài khoản số bị tấn công”, ông Li Zhiguang của hãng quần áo thể thao Looksee chia sẻ.

Mã QR đã len lỏi vào hoạt động buôn bán đời thường của người dân Trung Quốc.


 

Theo VNPT EPAY