Huy động nguồn lực cho kinh doanh trực tuyến

Việt Nam với gần 95 triệu dân đang trở thành một thị trường thương mại điện tử lớn ở Đông Nam Á, nhưng với doanh số bán lẻ (B2C) năm 2016 là 5 tỉ đô la Mỹ và năm 2017 vào khoảng 6 tỉ đô la (ước tính) thì thị trường này mới được đánh giá ở mức tiềm năng chứ chưa phải là mức phát triển. Theo cuộc khảo sát về tình hình phát triển thương mại điện tử do Bộ Công Thương thực hiện, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm, đạt 10 tỉ đô la vào năm 2020, chiếm 5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tỷ trọng nhỏ bé này đặt ra vấn đề cấp bách hiện nay là huy động nguồn lực giúp cho thương mại điện tử lớn mạnh.

Thương mại điện tử không chỉ là bán lẻ

Thương mại điện tử không chỉ là kinh doanh bán lẻ qua mạng (B2C). Dựa vào số liệu đầy đủ nhất vừa được cơ quan phụ trách thương mại UNCTAD thuộc Liên Hiệp Quốc công bố người ta thấy trong năm 2015 với tổng mức thương mại điện tử toàn cầu lên đến 25.300 tỉ đô la thì chỉ có 2.900 tỉ đô la là từ các hoạt động bán lẻ, trong khi có đến 22.400 tỉ đô la là từ việc bán buôn, gọi là B2B. Trong danh sách này Mỹ vẫn là nước dẫn đầu với 7.055 tỉ đô la, tiếp theo là Nhật Bản với 2.495 tỉ đô la, tiếp theo nữa mới là Trung Quốc với 1.991 tỉ đô la và Hàn Quốc, một quốc gia với dân số không nhiều hơn Việt Nam, cũng đạt đến mức 1.161 tỉ đô la cho nền thương mại trên không gian mạng của mình. Cũng trong năm 2015, việc kinh doanh bán lẻ trên mạng của Trung Quốc chính thức qua mặt Mỹ với mức 617 tỉ đô la so với 612 tỉ đô la.

 

Nhưng điểm quan trọng của thương mại điện tử không chỉ là sự ồn ào về bán lẻ, về sự thành công trong doanh số của những mùa lễ hội, mà là sự đóng góp vào nền kinh tế như một mô hình thương mại tiên tiến và hữu hiệu, một bước đi tiên phong về việc phổ biến thương mại số trên các lĩnh vực cũng như quá trình số hóa nền kinh tế một nước. Trở lại với những con số chính thống của UNCTAD, chúng ta thấy thương mại điện tử ảnh hưởng đến 39% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Mỹ, tỷ lệ này ở Nhật Bản là 60% GDP, và tại Hàn Quốc con số này thực sự gây kinh ngạc: 84% GDP. Trong khi đó, thương mại điện tử của Trung Quốc mới chỉ gần đạt đến 18% GDP.

Cho dù những thước đo ở mỗi nước có sự khác biệt, nhưng sự ảnh hưởng nhiều hay ít trong tổng sản phẩm quốc nội mỗi nước có ý nghĩa lớn. Mỹ chưa theo kịp với các quốc gia năng động hơn như Hàn Quốc, và người ta thấy xuất hiện một làn sóng gọi là chiến lược đa kênh (Omnichannel) nhằm đưa hoạt động kinh doanh truyền thống, trong các siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu của Mỹ lên môi trường mạng Internet.

Ở Việt Nam, những con số dự báo cho thấy doanh số thương mại điện tử bán lẻ sẽ đạt đến 10 tỉ đô la vào năm 2020, nhưng điều quan trọng hơn cả là Việt Nam cần xác định sự đóng góp của thương mại điện tử xuyên biên giới vào kênh xuất khẩu (B2B); từ đó, xác định những nguồn lực ưu tiên và huy động chúng vào việc nâng cao giá trị của kinh doanh trực tuyến trong vị thế của một quốc gia đông dân và trong vai trò của một nước xuất khẩu.

Biến tiềm năng thành lợi thế

Dân số đông, sự phát triển của hạ tầng công nghệ số, số người sử dụng Internet và đặc biệt lượng điện thoại di động đang tăng lên vùn vụt chỉ trong vài năm gần đây, cùng theo đó là hiện tượng đô thị hóa và số người trẻ của cả hai thế hệ Y, Z đang lớn lên là những yếu tố tiềm năng. Nhưng thương mại điện tử Việt Nam đang thiếu thế mạnh, đó là những động lực làm cho nó phát triển, bùng nổ.

Chúng ta chưa có những ngày, những lễ hội, những sáng kiến cho riêng thương mại điện tử, và những chính sách phần nhiều vẫn nằm trên giấy. Chúng ta đang thiếu nguồn lực hay nói đúng hơn chúng ta chưa huy động được nguồn lực, bắt đầu từ nguồn lực thông tin với những bài viết chân thực, những số liệu chính xác và sự phân tích chuyên sâu vốn là nền tảng cho việc hình thành chiến lược.

Trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, ông Pine Kyaw, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, người đã có hơn chín năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn tại châu Á, nói rằng Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng và quan trọng của tập đoàn thương mại điện tử đến từ Singapore này. “Việt Nam là thị trường đặc thù với sự phân hóa khá rõ ràng về hành vi mua sắm giữa các vùng miền. Sự phân hóa này tạo ra nhiều sự thách thức cho tất cả các doanh nghiệp khi tiếp cận và phát triển thị trường toàn quốc. Đây là thị trường duy nhất Shopee cần có hai văn phòng đại diện”, ông nói, và cho rằng vấn đề nằm ở chỗ thương mại điện tử còn mới ở Việt Nam, vì thế doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều chưa có định hình rõ ràng về ngành này. “Cả hai phía đều trong quá trình trải nghiệm đầy đủ về lợi ích của mô hình mua bán trực tuyến. Về tâm lý, người tiêu dùng Việt cảm thấy rất thiếu an toàn khi mua sắm trực tuyến, dẫn đến không chịu thanh toán trực tuyến cũng như không mua các mặt hàng giá trị lớn thông qua thương mại điện tử”. Thói quen sử dụng tiền mặt khiến cho quy trình thanh toán còn phức tạp (khách hàng trả tiền cho người vận chuyển, người vận chuyển chuyển khoản tiền về công ty giao nhận, tiền đến tay người bán sau một vài ngày) và phần nào cản trở sự phát triển của việc kinh doanh trực tuyến.

Thương mại điện tử, từ một mô hình kinh doanh nay trở thành một nhân tố không thể thiếu của nền kinh tế. Sự quan trọng của nó càng tăng lên khi các cơ sở kinh doanh truyền thống phải tìm chỗ hiện diện trên mạng, và khi giá trị GDP của các nước lại được đánh giá bằng sự ảnh hưởng của mức độ số hóa hiện diện trong đó. Không ai có thể coi thường Hàn Quốc hay Israel khi hàm lượng công nghệ chiếm phần lớn trong nền kinh tế, mặc dù dân số của họ không bao nhiêu. Thương mại điện tử càng quan trọng hơn nữa khi hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia đang phát triển theo con đường này.

Giải bài toán về nguồn lực

Theo các chuyên gia, có hai cách để cho nền kinh doanh trực tuyến một quốc gia có thể tăng trưởng mạnh: hoặc tạo nên một hệ sinh thái và rồi hình thành cuộc cạnh tranh giữa các hệ sinh thái, như trường hợp của Trung Quốc, hoặc tạo nên nguồn lực hay động lực cho lĩnh vực này phát triển, và đó là việc mà Hàn Quốc đã làm.

Chưa có doanh nghiệp thương mại điện tử nào ở Việt Nam có đủ năng lực hình thành hệ sinh thái vây quanh mình để phát triển bùng nổ, kể cả những công ty được đánh giá cao như Thegioididong.vn, Tiki.vn hay Sendo.vn, và cả những công ty có vốn đầu tư nước ngoài như Lazada.vn hay gần đây là Shopee.vn. Không tạo được hệ sinh thái thì phải huy động nguồn lực. Hàn Quốc đã phát triển nền tảng thương mại trực tuyến đến độ ngày nay có ảnh hưởng đến 84% GDP của nước này nhờ chính sách bắt buộc việc mua sắm công, kể cả quốc phòng, đều phải thực hiện qua nền tảng trực tuyến. Nhiều nước đang tiến tới mô hình thương mại không sử dụng tiền mặt, đó cũng là một nguồn lực. Và Việt Nam cũng có những nguồn lực như thế để phát triển thương mại điện tử của mình.

Đối với các chuyên gia trong nước, vấn đề chính là nguồn lực nào cho mô hình thương mại này phát triển.

Trước mắt họ là một nền tảng B2B vẫn còn yếu kém và hoạt động B2C đang bỏ đi nhiều sáng kiến cũng như những cơ hội, trong khi đó các chính sách còn mang tính khuyến cáo, thiếu tính đồng bộ và rất khó để các cơ quan chức năng thực thi. Trên thực tế, Việt Nam đang bỏ qua ba nguồn lực mang tính động lực cao. Đó là nguồn lực công với việc định chế hóa việc mua sắm công thông qua nền tảng trực tuyến, điều mà không chỉ Hàn Quốc, Mỹ hay Singapore mà nhiều nước khác cũng đang thực hiện. Trọng lượng thương mại của việc mua sắm công rất lớn, và khi nó trở thành nguồn lực thì việc điều chỉnh tỷ trọng nghiêng về phía B2B là điều khả dĩ. Việc xây dựng và củng cố thị phần B2B quan trọng hơn nhiều so với việc tăng cường thúc đẩy B2C hay kinh doanh bán lẻ trực tuyến.

Nguồn lực cần thiết nhất cho việc phát triển B2C, trước hết vẫn là sáng kiến và sáng tạo, đối với cả những công ty đã định hình lẫn công ty khởi nghiệp. Shopee của Singapore đã không thể nổi lên như một hiện tượng trong hàng trăm trang thương mại điện tử và giữa vòng quyền lực của Alibaba nếu không bắt đầu bằng sáng kiến phát triển thương mại di động ở vùng phụ cận và rồi nay đi xa hơn trong việc cho phép người mua người bán nói chuyện với nhau. Sáng kiến này làm cho Shopee không quá lệ thuộc vào dịch vụ hậu cần (logistics), vốn là một nút thắt cổ chai khi mở rộng doanh nghiệp. Cuối cùng, việc biến xuất khẩu trực tuyến thành một nguồn lực, một thứ quốc sách lại càng có ý nghĩa. Một hệ thống công nghệ sẽ chạy theo để đáp ứng chiến lược quốc gia này, một chuỗi giá trị được hình thành từ cung ứng đến phân phối, một hệ thống B2B được củng cố và nâng cấp hiện đại, và những nguồn tài chính trong cũng như ngoài nước sẽ đổ về đó.

 

 

Anh Vũ
* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn