Sắp diễn ra Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam

VOBF là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức lần đầu tiên năm 2017. Năm nay sự kiện này sẽ được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3 và tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16/3/2018.

Sắp diễn ra Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25%

Theo đánh giá của VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.

Theo Ban tổ chức, diễn đàn năm nay sẽ bao gồm bốn phiên thảo luận về bốn chủ đề nổi bật. Phiên thứ nhất có chủ đề “Thời đại Kết nối và Chia sẻ thông tin”. Các diễn giả của phiên thứ nhất sẽ thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử năm 2018, khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2017, những động lực mới để đạt được tốc độ tăng trưởng này. Các doanh nghiệp cần phải tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách hàng như thế nào. “

Phiên thứ hai với chủ đề: “Những vấn đề nổi bật trong kinh doanh trực tuyến”. Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh doanh trực tuyến mới, đồng thời cũng phát sinh nhiều thử thách liên quan tới cạnh tranh lành mạnh hay bảo vệ người tiêu dùng. Phiên thứ hai sẽ thảo luận về các vấn đề được đông đảo các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến quan tâm, bao gồm vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ blockchain và tiền số (digital currency), an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân…;

Phiên thứ ba sẽ thảo luận về tác động của công nghệ tới thương mại điện tử. Công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data) và di động (mobile) đã tác động to lớn tới kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam. Những công nghệ nổi bật khác như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) hay blockchain sẽ ảnh hưởng thế nào tới thương mại điện tử nước ta trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Các diễn giả của Phiên thứ ba cùng các đại biểu sẽ thảo luận để nhận diện tác động sâu sắc của các công nghệ này tới hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Phiên thứ tư là cơ hội cho các doanh nhân trẻ trao đổi về chủ đề “Khởi nghiệp thành công với thương mại điện tử”. Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với các lĩnh vực khác? Ngoài ý tưởng sáng tạo, các nhà khởi nghiệp cần môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ nào từ nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp? Phiên khởi nghiệp của VOBF 2018 sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến chia sẻ những yếu tố cần thiết để thành công.

Cũng tại Diễn đàn lần này sẽ công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2018. Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (E-business Index – EBI) do VECOM xây dựng từ năm 2012 là một công cụ định lượng hữu ích giúp xác định tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như từng địa phương. Dựa trên khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp, EBI 2018 cho thấy còn sự chênh lệch rất lớn giữa hai thành phố Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương còn lại, đồng thời gợi mở nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tửvà kinh tế số.

 

Theo BáoMới.vn