Bước nhảy vọt về mua sắm trực tuyến

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang có những bước phát triển nhanh chóng. Năm 2016 đánh dấu sự đột phá ở mảng mua sắm trực tuyến. Bộ Công Thương kỳ vọng năm 2020, TMĐT sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ.

 

 

Thành công ngoài mong đợi

Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (TMĐT&CNTT) - Bộ Công Thương, thị trường TMĐT Việt Nam đang có những bước tiến đáng ghi nhận. Năm 2016, TMĐT đã tạo đột phá bằng doanh thu trong Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday 2016) - một trong những hoạt động thuộc Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 - 2020 do Bộ Công Thương triển khai.

Ngày mua sắm trực tuyến 2016 trên quy mô lớn diễn ra vào ngày 2/12, đã thành công ngoài mong đợi. Kết quả, có hơn 700.000 người tiêu dùng thực hiện trên 18 triệu lượt xem và tương tác; hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia cùng 360.000 sản phẩm khuyến mãi được đăng tải. Thống kê sơ bộ từ 30 doanh nghiệp lớn tham gia chương trình trong 24 giờ ngày 2/12, tổng giá trị doanh thu của nhóm doanh nghiệp này đạt 644 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ Online Friday 2015.

Trước đó, Chương trình Ngày mua sắm mùa thu 2016 (ngày 30/9/2016) cũng có tới hơn 5 triệu lượt khách hàng truy cập và xem sản phẩm trên website OnlineFriday.vn, với hơn 160.000 đơn hàng thành công, giúp doanh nghiệp thu về 203 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam - chia sẻ, với con số tiềm năng trên, mua sắm trực tuyến sẽ càng trở nên phổ biến và trở thành hành vi thường nhật của hầu hết mọi người.

Những đóng góp đáng kể của TMĐT đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có số người sử dụng Internet nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 33% tổng số dân, trong khi đó, hơn 60% người dùng Internet thuộc nhóm người trẻ từ 16 - 45 tuổi, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cá nhân cao ở tất cả mọi ngành hàng… là những lợi thế rất lớn để phát triển thị trường TMĐT.

Thống kê của Cục TMĐT&CNTT cũng cho thấy, hiện Internet và thiết bị điện tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng. Hơn 40% trong tổng 92 triệu dân của Việt Nam sử dụng Internet và 58% trong số này đã từng tham gia mua hàng trực tuyến. Hiện ở Việt Nam, trong số hơn 120 triệu thuê bao di động có gần hai phần ba khách hàng sử dụng smartphone để mua hàng trực tuyến.

Năm 2017: Phát triển đồng bộ TMĐT

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Lại Việt Anh cho biết: “Để đưa kim ngạch TMĐT tăng mạnh trong năm 2017, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, thì việc triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014-2020 cũng là một giải pháp quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, mở rộng kênh phân phối và tìm kiếm những phân khúc thị trường mới nhằm tăng doanh số bán hàng, góp phần vào việc tăng kim ngạch TMĐT chung của cả nước”.

Riêng với “Kế hoạch tổng thể phát TMĐT giai đoạn 2016-2020” sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT; đầu tư xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho TMĐT; phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT; phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT; phát triển TMĐT tại một số vùng và lĩnh vực trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về TMĐT.

Trong vòng 5 năm tới, Bộ Công Thương tiếp tục xác định TMĐT là một cách thức kinh doanh ngày càng quan trọng, không chỉ với DN mà với cả các cá nhân. Các hiệp định quốc tế đều đề cập sâu đến TMĐT, đòi hỏi lĩnh vực này phải phát triển nhanh và sâu hơn nữa.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai TMĐT, nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển. Do vậy, các chính sách quản lý được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng TMĐT.

Khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong phát triển TMĐT, bà Lại Việt Anh cho rằng: “Mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020, số dân tham gia mua sắm trực tuyến là 30%, giá trị mua hàng trực tuyến đạt 350 USD/người/năm, tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 5%, tỷ lệ doanh nghiệp sở hữu website đạt 50% thì ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động hơn”.

Ngoài ra, năm 2017, thực hiện Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia, một số đề án trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai, chú trọng vào việc phát triển các hạ tầng kỹ thuật cho TMĐT, xây dựng những giải pháp ứng dụng phù hợp cho doanh nghiệp và tổ chức một số hoạt động kích cầu TMĐT cho người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu TMĐT của Việt Nam và giúp doanh nghiệp TMĐT bắt kịp với xu hướng công nghệ số toàn cầu.

Theo báo Công Thương