Nhận định này được ông Trần Đức Tâm, Giám đốc dự án Z.com đưa ra tại họp báo Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2017, sáng 16/2.
Theo ông Tâm, hiện quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỷ USD tính tới cuối năm 2016, bằng một phần ba mươi so với mức 120 tỷ USD của thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.
“Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản”, vị này so sánh.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong số quốc gia có thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ảnh: Anh Quân
Dẫn số liệu này, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận xét, tiềm năng của mảnh đất thương mại điện tử Việt Nam rất giàu sức sống. Với thị phần thương mại điện tử chiếm khoảng 2,8% thị trường bán lẻ, người Việt đang chuyển dịch mua sắm từ “offline” sang “online”. Tuy nhiên, Giám đốc dự án Z.com cho rằng thương mại điện tử ở Việt Nam là bài toán niềm tin và giao hàng, việc kết nối thông tin dường như chưa đủ.
“Ở Nhật, khi bạn nhận được một đơn hàng mua online (trực tuyến) thì khách hàng vẫn nhận được những ưu đãi, dịch vụ hậu mãi… như khi mua trực tiếp tại cửa hàng. Đây là điểm khác biệt mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học tập”, ông Tâm chia sẻ.
Thừa nhận cơ hội phát triển thị trường của thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn, song ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận xét đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp nội địa khi ngày càng nhiều đại gia nước ngoài “nhòm ngó”. Chưa kể thị trường đang bước sang giai đoạn phát triển khá nhanh, nhưng sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều thách thức mới.
Chủ tịch Vecom cho hay, một phần câu trả lời về quy mô phát triển thị trường sẽ được các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu liên quan tới kinh doanh trực tuyến chia sẻ tại Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2017) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào 24/2 và tại TP HCM vào 3/3 tới.
Ông Hưng tiết lộ, VOBF 2017 thu hút sự tham gia của các chuyên gia uy tín đến từ các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu liên quan đến kinh doanh trực tuyến như Google, Facebook,... Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ nổi trội hiện nay như VinaLink, Bizweb, Cốc Cốc… cũng sẽ chia sẻ về xu hướng bán hàng đa kênh và thương mại điện tử qua biên giới về những cơ hội và rủi ro kinh doanh, những đặc thù khi khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Tại diễn đàn Vecom cũng sẽ giới thiệu những nghiên cứu thị trường mới liên quan tới thương mại điện tử trên thế giới và Việt Nam để giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp nhất.
Theo VnExpress